Nhập gà thải: Thêm “dao” giết chăn nuôi trong nước

Những ngày gần đây, thông tin báo chí và dư luận rộ lên chuyện gà phế phẩm (tạm gọi là gà thải) nhập từ Hàn Quốc được bày bán trong một số siêu thị với tên gọi “gà dai bọng”. Đây là loại gà được hiểu nôm na là gà đẻ trứng, được chích kháng sinh nhiều lần để “dẻo dai, sống khỏe, đẻ mắn”, nay đã hết “đát”, lẽ ra được dùng làm thức ăn gia súc thì đã được nhập về Việt Nam làm thực phẩm.

Chăn nuôi trong nước lỗ miệt mài

“Kiểu này chết chúng tôi rồi còn gì!” - ông Tống Văn Hướng, chủ trại gà Phương Nam ở Bình Dương, kêu. “Việc tiếp tục nhập gà mái thải từ Hàn Quốc cũng như nhập những loại gà thịt, đầu, cổ, cánh và nội tạng gà chính là nguyên nhân làm khổ người chăn nuôi trong nước. Ai cũng thấy gà, heo đông lạnh nhập rất nhiều, bán tràn lan trong siêu thị, ngoài chợ. Giá gà thải mua với mức giá như cho, nhập về bán giá thấp khiến cho mặt bằng giá bán trong nước bị kéo xuống, người nuôi bán giá thấp thì lỗ, bán giá cao thì chẳng ai mua. Hiện nay trang trại gà của chúng tôi bán hàng rất chậm, lỗ 4.000 đồng/kg”.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ trại gà tại xã Đông Hòa, huyện Dĩ An (Bình Dương), cho biết: Mấy tháng trước đây, nhiều trang trại “chết giấc” vì bán hàng không được, nguồn cung giảm nên tuy trong tháng 9 giá gà đã hồi phục, người nuôi bắt đầu lãi 1.000-2.000 đồng/kg cũng chưa bù được sự tăng giá thức ăn. “Tôi thật sự đang rất lo, rất sợ. Nhập gà thải Hàn Quốc về bán tràn lan, hèn gì giá gà lên một chút thì lại đang có dấu hiệu đi xuống” - ông Nghĩa lo lắng.

Nhiều người tiêu dùng thích mua gà nhập khẩu từ Hàn Quốc vì giá rẻ mà “ăn cũng thấy ngon”. QUANG TUẤN.

Làm giàu cho… hàng xóm

Khoảng 20-25 tấn  gà Hàn Quốc được nhập về mỗi tháng, tương đương 80-100 tấn thịt.

Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cần đưa ra những quy định về nhập khẩu gà loại thải đông lạnh cũng như các loại thịt nhập về phải đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Gà mái loại thải có thể khâu công nghệ dự trữ của các nước phát triển như Hàn Quốc rất tốt nhưng khi về Việt Nam được bày bán tại siêu thị, DN Việt Nam bảo quản thì chưa chắc chất lượng đảm bảo đến tay người tiêu dùng. Còn nội tạng gà như lòng, mề, gan, tim và các loại “đầu thừa đuôi thẹo” như cổ, cánh thì khả năng tồn dư chất độc hại rất cao.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, lưu ý: Phần lớn các nước nhập gà loại thải là các nước nằm trong khối liên minh ASEAN+1, +2 như Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là các nước có nền sản xuất gà công nghiệp phát triển mạnh. “Hiệp địnhKhu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) thì thuế nhập khẩu sang Việt Nam chỉ phải chịu mức thấp 5%, gà thải vốn dĩ là thải ra để không dùng làm thực phẩm nên giá như cho không, họ đem bán nước ta với giá thấp thì vẫn lời to. Trong khi đó, họ đè bẹp giá gà, heo trong nước rớt thê thảm, ngành chăn nuôi lâm nạn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần nắm rõ thông tin về sản phẩm nhập khẩu, thông tin về thị trường thế giới để cảnh báo cho DN, cho chính người tiêu dùng trong nước”.

Cũng theo ông Công, việc nhập khẩu thịt đông lạnh, đặc biệt là gà loại thải, đã được kiến nghị từ lâu, “càng nhập thịt, nhất là hàng thứ phẩm, phế phẩm giá bèo về thì giá trong nước càng xuống, ngành chăn nuôi trong nước chết sạch”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT DIỆP KỈNH TẦN:

Sẽ có “hàng rào” ngăn chặn

. Thưa ông, việc kiểm soát chất lượng gà thải từ Hàn Quốc này được tiến hành thế nào?

+ Nhập chính ngạch tức là có kiểm tra về dịch bệnh, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chí mà chúng ta đã có. Riêng về vấn đề chất lượng dinh dưỡng, hiện nay chúng ta không có tiêu chuẩn, quy chuẩn một cách rõ ràng. Bởi vậy, nước ngoài có quyền xuất khẩu vào thị trường của ta, tức là nếu anh không có hàng rào kỹ thuật, anh đã hội nhập rồi thì anh không được cản trở thương mại.

Các sản phẩm gà nhập về theo đường chính ngạnh đều được các đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm không có dịch bệnh. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo được. Đây là loại gà họ bỏ đi, thường dùng làm thức ăn cho gia súc.              

. Vậy việc quản chặt gà thải cũng như các sản phẩm nguồn gốc động vật khác sẽ được Bộ NN&PTNT thực hiện như thế nào?

+ Tôi đã giao cho Cục Chăn nuôi rà soát, xem xét xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật về nhập khẩu. Quy chuẩn này sẽ quy định độ đạm, các chất dinh dưỡng… đạt mức nhất định mới được nhập, nhằm loại bỏ các sản phẩm có độ dinh dưỡng quá kém, như trước đây chúng ta đã ra hàng rào kỹ thuật về nội tạng trắng, nội tạng đỏ.

Ông NGUYỄN THANH SƠN, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi:

Đang rà soát quy định

. Loại “gà dai” Hàn Quốc nhập khẩu theo đường chính ngạch có được phép nhập khẩu vào trong nước không?

+ Cuối tháng 8-2012 đến nay, TP.HCM đã xuất hiện gà và các sản phẩm chân gà, cánh gà… có xuất xứ từ Hàn Quốc. Các sản phẩm này được nhập theo con đường chính ngạch, có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng. Thực chất đây là gà thải loại từ các trang trại, có hàm lượng dinh dưỡng thấp, không loại trừ khả năng tồn dư các chất kháng sinh, sử dụng nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đang xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật để ngăn chặn những sản phẩm không đủ chất lượng nhập vào trong nước. 

. Bộ quy chuẩn đó sẽ được xây dựng như thế nào, bao giờ có?

+ Một số thông tư ban hành từ năm 2010 của Bộ NN&PTNT đã quy định rất cụ thể về việc nhập khẩu các sản phẩm động vật như: Thông tư 25/2010 và Thông tư 29/2010 của Bộ NN&PTNT… Trước mắt, chúng tôi đang tiến hành rà soát các thông tư, quy định đã có, đồng thời bổ sung thêm những tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu, ví dụ như hàm lượng đạm, các chất dinh dưỡng… để hoàn thiện bộ quy chuẩn và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Lờn thuốc, giảm thọ

Gia cầm trước khi xuất chuồng hoặc giết mổ phải ngưng sử dụng thuốc kháng sinh 7-15 ngày. Việc sử dụng thịt gà còn dư lượng thuốc kháng sinh thì người dùng bị vi khuẩn kháng thuốc, khi bệnh thì thuốc trị bệnh không hiệu quả hoặc phải uống thuốc với liều lượng cao.

Ông PHAN XUÂN THẢO, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Kháng sinh được bào chế từ hóa chất nên hầu như không phân hủy trong quá trình nấu nướng. Nếu tồn dư kháng sinh trong thịt cao, người tiêu dùng có nguy cơ bị nhức đầu, sử dụng thường xuyên thịt có dư lượng kháng sinh dễ bị lờn thuốc, giảm khả năng chống lại bệnh tật.

BS TRẦN VĂN KÝ, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn
Thực phẩm Việt Nam

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới