Nhật cứu khinh khí cầu Trung Quốc

Báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 2-1 đưa tin hôm trước đó, cảnh sát biển Nhật đã giải cứu một người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc tên Từ Soái Quân 35 tuổi trôi dạt trên biển cách đảo Uotsuri-shima (thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) 22 km. Ông này đã tìm cách đáp xuống quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng khinh khí cầu.

Ông Từ Soái Quân đã được trao trả cho tàu cảnh sát biển Trung Quốc 2151 hoạt động ngoài vùng lãnh hải của Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thông qua liên lạc vô tuyến, tàu cảnh sát biển 2151 đã cảm ơn cảnh sát biển Nhật. Cảnh sát biển Nhật cho biết họ không truy tố hình sự ông Từ Soái Quân về tội xâm nhập trái phép vì không biết đích xác địa điểm khinh khí cầu rơi.

Theo đơn vị tuần duyên 11 ở TP Naha (tỉnh Okinawa), các đơn vị cứu hộ của lãnh thổ Đài Loan đã yêu cầu cảnh sát biển Nhật giúp đỡ khi khinh khí cầu chở ông Từ Soái Quân mất tích ở khu vực phía nam đảo Uotsuri-shima. Cảnh sát biển Nhật đã điều động một máy bay trực thăng và phát hiện địa điểm khinh khí cầu rơi.

Khinh khí cầu chở ông Từ Soái Quân rơi gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 1-1. Ảnh: KYODO

Ông Từ Soái Quân là đầu bếp ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ông điều khiển khinh khí cầu từ Phúc Thanh (tỉnh Phúc Kiến) lúc 7 giờ sáng 1-1. Ông khai với cảnh sát Nhật muốn tới đảo Uotsuri-shima nhưng khinh khí cầu bị trục trặc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sức khỏe ông Từ Soái Quân rất tốt. Bộ Ngoại giao chỉ khẳng định ông này là người thích khinh khí cầu.

Sự việc diễn ra giữa lúc quan hệ Trung-Nhật đang căng thẳng do vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong khi đó, chuyến thăm đền chiến sĩ trận vong Yasukuni của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tiếp tục gây phản ứng.

Báo The Telegraph (Anh) ngày 1-1 dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh chỉ trích Thủ tướng Shinzo Abe đã cố ý gây ra căng thẳng tại châu Á. Ông cáo buộc Thủ tướng Shinzo Abe cố đưa thế giới vào con đường nguy hiểm.

Ông nhận định chuyến thăm đền của thủ tướng Nhật làm gia tăng bóng ma của chủ nghĩa quân phiệt tại Nhật và làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước trên biển Hoa Đông. Ông ghi nhận chuyến thăm đền Yasukuni không phải là vấn đề nội bộ của Nhật hay vấn đề cá nhân của bất kỳ quan chức chính trị nào của Nhật.

Ông cảnh báo Nhật đang tìm cách viết lại lịch sử về vai trò của Nhật trong chiến tranh và khôi phục vị thế của một cường quốc quân sự hung hăng. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cảnh giác cao độ với Nhật. Ông bày tỏ tin tưởng rằng người Anh và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới sẽ không thờ ơ trước thái độ và hành động của Tokyo.

Gần đây, ngay sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Anh và Trung Quốc, Bắc Kinh đã kêu gọi Anh ủng hộ trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng lên tiếng chỉ trích chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Bộ trưởng Nội vụ Nhật Yoshitaka Shindo hôm 1-1.

Người phát ngôn nói chuyến thăm này là thêm hành động khiêu khích nữa của các thành viên nội các Nhật về vấn đề lịch sử. Người phát ngôn kêu gọi Nhật nghiêm túc suy ngẫm về lịch sử và sửa chữa lỗi lầm.

 

Tại cuộc họp báo ngày 2-1 ở Seoul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã chỉ trích chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Bộ trưởng Nội vụ Nhật Yoshitaka Shindo. Người phát ngôn nói chuyến thăm làm tổn hại đến nỗ lực hàn gắn quan hệ Hàn-Nhật và kêu gọi Nhật phải hành xử theo cách đúng đắn để chứng tỏ nhận thức đúng đắn về lịch sử.

LÊ LINH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm