Cán bộ làm nhiệm vụ và cả chúng tôi chẳng ai muốn điều đó xảy ra nhưng không còn cách nào khác cho cả hai mẹ con…
Hình như ai cũng quặn lòng khi chứng kiến cảnh bà Liễu còn ngái ngủ khi được đưa ra xe nhưng hoảng loạn nhìn ra xung quanh tìm con, hỏi “con tôi đâu?” với ánh mắt lạc thần...
Trước đó, khi thực hiện loạt bài, chúng tôi nhớ như in hình ảnh bà gào khóc cầu cứu mọi người khi cháu bé bị đứt tay, máu chảy nhiều vì cháu nghịch dại những đồ vật mà bà mang theo bên người. Bà chạy dọc rồi ngồi bệt giữa đường, ôm con khóc, cầu cứu…
Chúng tôi cũng chứng kiến cảnh hai mẹ con bà cười sằng sặc như không có ai xung quanh khi bà đưa hai tay lướt chạy trên phần bụng của con. “Cứ mỗi lần chị làm trò đó là nó cười đã lắm…” - bà nói.
Con của bà Liễu được các cô trong Làng Hòa Bình chăm sóc. Ảnh: TT
Chúng tôi cũng chứng kiến cảnh bà làm ngựa cõng con, nâng thằng bé bằng chân khiến hai mẹ con cười ngặt nghẽo…
Vì điều này mà chúng tôi day dứt nhưng chứng kiến cảnh bà hằng ngày mang con vào nhà vệ sinh công cộng “nhốt” bé trong đó để thỏa mãn cơn nghiện, phơi đứa trẻ giữa nắng bụi, thậm chí vừa cho con uống sữa vừa hút ma túy, cho đứa bé tám tháng tuổi ngủ trên giấy báo ngoài trời lạnh… chúng tôi quyết tâm mong muốn điều tốt cho bé và cả cho bà nên phơi bày sự thật.
“Việc cưỡng chế tách bà đi là điều đau lòng vì chúng tôi chẳng ai muốn để cảnh mẹ con phải xa nhau nhưng đó là biện pháp cuối cùng để cả hai có được tương lai tốt hơn” - một cán bộ tâm sự như vậy. Và chúng tôi, những người thực hiện tuyến bài này, càng chạnh lòng...
Cuối cùng, chúng tôi chọn tương lai của đứa trẻ.
Chứng kiến hai chiếc xe đưa hai mẹ con đi hai ngả đường khác nhau giữa dòng người đang náo nhiệt, chúng tôi mong ngày bà khỏe mạnh, tránh xa chất ma túy chết người để hai mẹ con đoàn tụ.
Vì con, mong bà cố lên và chúng tôi hy vọng ngày đó sẽ không xa!