Nhật lo ngại Trung Quốc tiến sâu ở biển Hoa Đông

Đề cập đến"bước tiến" trong hành động của Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp này hồi tháng 12-2015, Bộ Ngoại giao Nhật Bản gần đây khẳng định: "Tình hình ở biển Hoa Đông đang tồi tệ hơn".
Giới chức Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh đang lợi dụng thời điểm thể giới chuyển hướng chú ý đến biển Đông - nơi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp - để tiến sâu vào biển Hoa Đông.
Tokyo đã chính thức phản đối hành động của Trung Quốc, gọi đó là "nỗ lực mạnh mẽ để thay đổi hiện trạng". Tuy nhiên, cho đến nay Tokyo vẫn tránh dùng đến các biện pháp đối kháng mà có thể gây leo thang căng thẳng.

Vào cuối tháng 12-2015, Trung Quốc lần đầu tiên mang tàu có vũ trang vào khu vực tranh chấp. Con tàu mang bốn khẩu pháo cỡ nòng 37 li cùng ba tàu khác đã tiến vào khu vực 24 hải lý quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 22-12 và tiếp tục tiến sâu vào vùng 12 hải lý chỉ bốn ngày sau đó.

 Tàu tuần duyên Haijing 31239 là tàu có vũ trang đầu tiên của Trung Quốc đi vào khu vực quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: FT)

"Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đưa các tàu tuần tra lớn hơn và mạnh hơn - gần như tương đương với các tàu chiến hải quân - vào khu vực quanh quần đảo Senkaku" - Hideaki Kaneda, một cựu Phó đô đốc, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Okazaki ở Tokyo, cho biết.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hoạt động của tàu nghiên cứu của các công ty nhà nước Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong năm 2015 từ chín lần lên 22 lần.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây cũng đã cho thấy những dấu hiệu thay đổi trong hoạt động. Từ ngày 23-12, một tàu thu thập thông tin tình báo Trung Quốc đã ra vào khu vực phía Nam quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hai ngày rưỡi. 
Trước đó, năm 2013, Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bất chấp các nước phản đối.
Giới chức Nhật Bản lo ngại hành động này cho thấy Trung Quốc đang âm mưu tăng cường giám sát và kiểm soát ADIZ. "Những gì chúng tôi lo ngại là các tàu chiến cũng sẽ vào tuyến đường này" - một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm