Nhật mua F-35 để đối phó Trung Quốc

Ngân sách quốc phòng của Nhật trong tài khóa 2017 có thể đạt đến mức kỷ lục 44,64 tỉ USD. Ngày 1-12, nguồn tin từ chính phủ Nhật cho hãng tin Kyodo biết như trên. Ngân sách này bao gồm cả chi phí tổ chức quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật.

Thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền trở lại vào năm 2012. Sang tài khóa 2013, ngân sách quốc phòng bắt đầu tăng và đây là năm thứ năm tăng liên tiếp.

Trong khuôn khổ chương trình quốc phòng kéo dài năm năm đến tài khóa 2018, chính phủ Nhật đã dự kiến tăng ngân sách quốc phòng bình quân 0,8%/năm.

Kyodo nhận định Nhật tăng ngân sách quốc phòng vì hai yếu tố Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Trung Quốc vẫn hành động hung hăng trên biển. Gần đây nhất vào ngày 25-11, Trung Quốc đã điều động nhiều máy bay bay qua kênh Bashi và eo biển Miyako tham gia tập trận ở Tây Thái Bình Dương.

Do vậy, Nhật phải tăng cường củng cố phòng thủ ở các đảo xa, đặc biệt ở khu vực Okinawa.

Ngày 29-11 (giờ địa phương), máy bay F-35 đầu tiên của Nhật đáp xuống căn cứ Luke. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ngoài ra, Nhật cũng tích cực cải thiện năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên đồng thời tăng chi tiêu cho không gian và an ninh mạng.

Với mục tiêu đó, Mỹ đã ký kết với Nhật thỏa thuận bán hàng quân sự quốc tế (FMS).

Theo thỏa thuận, Nhật sẽ tiếp nhận tổng cộng 42 máy bay tàng hình F-35A. Bộ Quốc phòng Nhật đã chọn dòng máy bay F-35A Lightning II.

Ngày 29-11, chiếc máy bay Lockheed Martin F-35 JSF đầu tiên của Nhật đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Luke ở bang Arizona (Mỹ).

Các phi công và chuyên viên bảo trì Nhật là các khách hàng đầu tiên của thỏa thuận FMS được đào tạo trên máy bay F-35 tại căn cứ Luke.

Không quân Mỹ sẽ đào tạo cho các phi công Nhật bay và chiến đấu bằng máy bay F-35.

Lực lượng phòng vệ đường không của Nhật đánh giá sự kiện nêu trên đã bắt đầu thời kỳ quá độ của một đơn vị không quân trang bị máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm nhằm đối phó với Trung Quốc.

F-35 đủ khả năng không chiến bằng cách phối hợp các đặc điểm về tàng hình, cảm biến và điện tử phục vụ mục tiêu bảo vệ trong không phận Nhật.

Trong khi đó, Reuters đưa tin ngày 1-12, trong một sự kiện tại Mỹ có Đại sứ Nhật Kenichiro Sasae tham gia, Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch thông báo các máy bay tiêm kích Typhoon của Anh trên đường bay đến thăm Nhật sẽ bay trên vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Ông không nêu rõ thời gian bay khi nào.

Ngoài ra, ông cũng cho biết sau khi Anh đưa hai tàu sân bay mới vào sử dụng vào năm 2020, tàu sân bay có thể được điều động đến Thái Bình Dương.

Đại sứ Kim Darroch giải thích Anh muốn chia sẻ với Mỹ về quan điểm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.

Ông nói dù phần lớn quân đội Anh dự kiến sẽ được triển khai ở Trung Đông nhưng Anh cũng muốn củng cố vai trò ở Thái Bình Dương.

Đại sứ Nhật Kenichiro Sasae đã khen ngợi Anh tham gia bảo vệ an ninh ở châu Á.

Đại sứ cho biết trong một cuộc họp ở Lầu Năm Góc hồi tháng 10, ba nước Nhật, Mỹ và Anh đã thảo luận về tăng cường hợp tác hàng hải hơn nữa.

Hồi tháng 10, bốn máy bay tiêm kích của Anh đã từng bay đến Nhật tham gia tập trận chung với Nhật.

Tạp chí National Interest ghi nhận không quân và hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa nhanh chóng, sử dụng tên lửa đất đối không mới và máy bay thế hệ thứ tư như J-15, J-16. Do đó, các phi đội McDonnell Douglas F-4EJ Phantom II, Boeing F-15J Eagles và Mitsubishi F-2 của Nhật ngày càng đương đầu với nhiều thách thức hơn. Vì vậy, máy bay F-35 sẽ làm gia tăng đáng kể sức mạnh không quân của Nhật.

__________________________________

4 máy bay F-35 của Nhật được lắp ráp tại Mỹ. Chiếc F-35 JSF đầu tiên xuất xưởng từ nhà máy của hãng Lockheed Martin tại Fort Worth (bang Texas) hôm 23-9. 38 máy bay F-35 còn lại của Nhật được lắp ráp tại Nagoya (Nhật).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm