“Tầm nhìn Vientiane” là sáng kiến thúc đẩy phát triển hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa Nhật với ASEAN thông qua hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ và củng cố an ninh hàng hải. Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 26-11 đã nhận định như trên.
Sáng kiến “Tầm nhìn Vientiane” đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada trình bày tại hội nghị không chính thức các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật lần thứ hai tại Vientiane (Lào) hôm 16-11.
Nguồn tin từ chính phủ Nhật giải thích: “Tầm nhìn Vientiane là văn kiện chính thức đầu tiên thể hiện hình ảnh cụ thể và minh bạch về hợp tác của Nhật trong lĩnh vực quốc phòng với toàn bộ khối ASEAN”.
Nhật đã duy trì quan hệ với các nước Đông Nam Á và với ASEAN với tư cách là một trong các đối tác đối thoại lâu đời nhất và quan trọng nhất trong khu vực.
Quan hệ bắt đầu được hâm nóng vào năm 1977 khi Thủ tướng Nhật Takeo Fukuda quyết định cải thiện hình ảnh nước Nhật.
Từ đó, Nhật đã thúc đẩy viện trợ kinh tế, phát triển doanh nghiệp và văn hóa, củng cố các năng lực từ viện trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai đến tăng cường an ninh hàng hải.
Quan hệ Nhật-ASEAN càng được thắt chặt hơn sau khi Thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền vào tháng 12-2012.
Lực lượng phòng vệ biển Nhật. Ảnh: ASIA TIMES
Nguyên do vì hai bên có nhiều lợi ích tương đồng về cơ hội làm ăn mới của các doanh nghiệp Nhật ở Đông Nam Á, nỗi lo trước hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông cùng với các thách thức chung như an ninh mạng.
Nhật đã ký kết hoặc nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Chất xúc tác để Nhật tăng cường quan hệ là chính sách quốc phòng của Nhật đối với nước ngoài đã thay đổi. Chính sách cấm xuất khẩu vũ khí đã được dỡ bỏ vào tháng 4-2014.
Đến tháng 11-2014, Nhật và ASEAN đã tổ chức hội nghị không chính thức các bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên tại Myanmar. Song song theo đó là Diễn đàn thứ trưởng Quốc phòng Nhật-ASEAN.
Giải thích về sáng kiến mới “Tầm nhìn Vientiane”, Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada cho biết sáng kiến này tập trung chủ yếu cổ súy cho pháp quyền và tăng cường an ninh hàng hải.
Các phương tiện thực hiện sáng kiến rất đa dạng như hội thảo về luật pháp quốc tế, viện trợ tăng cường các năng lực, hợp tác về công nghệ và thiết bị quốc phòng, huấn luyện và diễn tập chung, phát triển nguồn nhân lực và trao đổi học thuật.
Bà Tomomi Inada cho biết qua thảo luận với các nước ASEAN, một số lĩnh vực đã được đề nghị như pháp luật hàng hải, an ninh mạng, hỗ trợ tăng cường năng lực về phá hủy bom mìn trên bộ.
Nói chung, Nhật lắng nghe các nước ASEAN để đáp ứng nhu cầu vì mỗi nước có nhu cầu riêng như Philippines tiếp tục cần hỗ trợ về an ninh hàng hải còn Lào thì cần xử lý bom mìn trong chiến tranh Việt Nam còn sót lại.
Bà Tomomi Inada đã nhắc đến phán quyết trọng tài bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và nhận xét: “Phán quyết này là phán quyết cuối cùng đã ràng buộc các bên có liên quan với nhau và điều quan trọng là giải quyết trên cơ sở này”.
Chính vì thế, bà đã nhất trí với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về cần thiết phải bảo đảm pháp quyền và giải quyết hòa bình đối với các tranh chấp.
Báo The Yomiuri Shimbun (Nhật) nhận định sáng kiến “Tầm nhìn Vientiane” của Nhật nhằm mục đích gián tiếp kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, tạp chí The Diplomat đánh giá sáng kiến này đã đưa ra một giải pháp tiếp cận toàn cục với khối ASEAN. Giải pháp này khác với cách tiếp cận hẹp vốn chỉ tập trung vào an ninh hàng hải, rất dễ bị quy chụp là nhắm đến Trung Quốc hay biển Đông. __________________________________ Bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải ở biển Đông là điều cần thiết để Nhật nỗ lực bảo đảm an toàn các tuyến hàng hải. Nhằm tránh tác động đến hoạt động của quân đội Trung Quốc trên biển Hoa Đông, Nhật đã tiến hành nỗ lực trên bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN. Báo THE YOMIURI SHIMBUN |