Khi mỹ phẩm đắt hơn vàng
Cô Miwako Taniuchi, 34 tuổi, là một nhà tạo mẫu thời trang tại Tokyo, do khủng hoảng kinh tế làm cô mất 30% thu nhập và phải chia tay những món hàng hiệu: quần áo của Gucci, túi xách Louis Vuitton, những bữa ăn tối đắt tiền. Nhưng có một món cô không thể tiết kiệm: đó là mỹ phẩm dưỡng da mà giá từng gam của nó tính ngang với từng gam vàng! “Tôi có thể cắt giảm chi tiêu những món khác, nhưng với sản phẩm chăm sóc da thì không”, cô nói.
Ấy là cô đang nói đến sản phẩm kem làm trắng và giữ ẩm da Synergique của hãng Shiseido, giá 1.350 USD/hộp 40g (tức hơn 1 lượng vàng = 38g chỉ có giá khoảng 1.140 USD)!
Sản phẩm dưỡng ẩm da Eternal Flow của Kao gồm một chai dung dịch làm ẩm chỉ có 140 mililit đã có giá đến 10.500 yen (113 USD), đi kèm là hộp kem massage 150 g với giá 12.600 yen (136 USD). Mắc như thế mà doanh số bán của bộ sản phẩm bé tẹo này tăng hơn 20% so dự kiến trong quý 4.2008.
Cách chống cự lại tình hình suy thoái
“Nhu cầu tiêu dùng mỹ phẩm xa xỉ vẫn vững vàng dù kinh tế đang suy thoái”, nhà phân tích bán lẻ Rika Matsumura tại hãng chứng khoán Okasan (Tokyo) nhận xét. “Hơn 10 năm qua, phụ nữ đã gia tăng sự quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc da và chống lão hoá”.
Hãng mỹ phẩm Shiseido lớn nhất Nhật Bản thì tự hào khoe doanh số bán đang tăng hơn dự báo, nhất là những sản phẩm dưỡng da dành cho giới thu nhập cao, giá cực đắt. Doanh số ngành hàng này tăng đi ngược xu thế suy thoái đang diễn ra tại Nhật.
Không chỉ Shisedo, các đối thủ của họ là Kao và Kose cũng cho biết các loại sản phẩm dưỡng ẩm da đắt tiền cũng có doanh thu tăng vượt dự kiến. Thậm chí doanh số bán mỹ phẩm ở các trung tâm thương mại gia tăng liên tục từng tháng suốt 23 tháng qua, tính đến tháng 11.2008, ngay cả lúc lòng tin của người tiêu dùng đang giảm.
Chủ tịch hãng Shisedo, Shinzo Maeda đầu tháng 2 đã tự tin nhận định: “Mỹ phẩm giá cao đang đi ngược với sự xuống dốc của nền kinh tế”. Ông nói cũng có cơ sở, bởi doanh số bán các loại mỹ phẩm có giá trên 20.000 yen/món (khoảng 215 USD) đã tăng 24% tại Nhật từ 2004 – 2007.
Chủ tịch hãng Kao, ông Motoki Ozaki nhận định: sản phẩm giá từ 2.000 - 5.000 yen bán đang chậm, nhưng loại đắt tiền thì bán rất chạy.
Cả sản phẩm dưỡng ẩm da Cosme Decorte Moisture Liposome của Kose (gồm một chai dung dịch dưỡng ẩm có 40 mililit) giá đã đến 113 USD và doanh số bán tăng “hai con số”, theo nữ phát ngôn viên của hãng, bà Mika Hashimoto.
Ngoài ra, sự lên giá của đồng yen (tăng 23% năm rồi) cũng góp phần làm doanh thu xuất khẩu mỹ phẩm của Shisedo tăng 38% và của Kao là 28%.
Thà nhịn mua quần áo chứ không bỏ mỹ phẩm!
Ngành công nghiệp mỹ phẩm trị giá 17 tỉ USD của Nhật dường như miễn nhiễm với tình hình suy thoái, nhờ sự gia tăng số lượng phụ nữ tại Nhật có nhiều tiền và có khuynh hướng mua sắm những loại mỹ phẩm đắt tiền.
Cô Noriko Sato, làm tại một công ty dịch vụ tài chính, nói thà cô cắt giảm mua sắm quần áo chứ không giảm mua mỹ phẩm chăm sóc da. “Ưu tiên một của tôi là sắm hàng chăm sóc da”, cô nói và giới thiệu hộp kem dưỡng da ban đêm Clarins SA 40 gam có giá… 18.800 yen (202 USD). Cô còn tự hào nói: "Tôi thà mua quần áo rẻ tiền chứ mỹ phẩm là phải chọn loại chất lượng tốt nhất".
Một nghiên cứu của hãng bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi tại Tokyo cho biết phụ nữ Nhật lứa tuổi từ 30 – 40 đang chi xài cho mỹ phẩm nhiều hơn thế hệ trước.
“Trái với các công ty xuất khẩu, những doanh nghiệp bán hàng nội địa và hàng tiêu dùng lại không bị ảnh hưởng mấy do tình hình kinh tế suy thoái”, ông Naoki Fujiwara, giám đốc quản lý quỹ Shinkin Asset tại Tokyo bình luận.
Mỹ phẩm, suy cho cùng, cũng là một trong những biện pháp quý bà quý cô “tiếp thị” cho vẻ đẹp, sự duyên dáng của mình. Như cô Taniuchi nói: “Vẻ bề ngoài của tôi là sự đầu tư tốt nhất, ngay cả khi thời gian có khắc nghiệt đi nữa. Phụ nữ nào chăm sóc bản thân mình kỹ càng thì hơn hẳn những người không làm vậy”.
Theo H.S (SGTT/ Bloomberg)