Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga Nhật sẽ thông báo quyết định cho IWC trước khi kết thúc năm 2018. Việc rút lui sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30-6-2019.
Theo ông Suga, cùng với quyết định rút khỏi IWC, Nhật “sẽ nối lại hoạt động săn bắt cá voi vì mục đích thương mại vào tháng 7 năm tới”. Ông Suga cam kết các hoạt động săn bắt cá voi sẽ được gói gọn trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, khẳng định Nhật “sẽ không bắt cá voi ở Nam Băng Dương hoặc vùng biển Nam bán cầu”.
30 năm qua, từ khi còn là thành viên của IWC, Nhật đã vận động việc nối lại việc đánh bắt các loài cá voi tương đối phong phú như cá voi minke. Tuy nhiên, những nỗ lực này của Nhật luôn bị các nước chống đánh bắt cá voi như Úc và New Zealand ngăn cản. Hồi tháng 9, một đề xuất của Nhật nhằm giảm nhẹ các quy tắc ra quyết định tại IWC cũng bị bác bỏ tại một hội nghị thường niên diễn ra ở Brazil, dẫn đến việc Tokyo dọa có thể rút khỏi tổ chức này để được rảnh tay hành động.
Theo hãng thông tấn Kyodo, quyết định rút lui của Nhật khỏi một tổ chức quốc tế có thể sẽ tạo ra nghi vấn về động cơ của nước này. Nhật là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vốn kêu gọi sử dụng và bảo tồn tài nguyên biển thông qua các thực thể quốc tế.
Nhật có truyền thống săn bắt cá voi trong suốt nhiều thế kỷ trước khi gia nhập IWC vào năm 1951. Sau Thế chiến thứ hai, cá voi là nguồn cung cấp protein chính cho người dân Nhật khi nước này bại trận và kiệt quệ kinh tế. Tuy nhiên, trong vài thập niên trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ cá voi tại nước này đã sụt giảm. Đa phần người Nhật khi được hỏi đều cho biết rất hiếm hoặc chưa từng ăn thịt cá voi.