Đó là hai phạm trù rất nhạy cảm và tế nhị” do anh tự “rút kinh nghiệm” bản thân. Anh kể đầu năm 1964, sau đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, rồi tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý gạt một loạt tướng lĩnh của cuộc đảo chính, anh là một nhà báo trẻ hăng say cộng tác với nhiều báo, là cây bút chính của một tờ nhật báo của Công giáo do một vị linh mục làm chủ nhiệm. Anh ỷ lại mình thân thiết và được linh mục chủ nhiệm nuông chiều, đã viết một bài phiếm luận “cà khịa” mấy tướng lĩnh đảo chính bị chỉnh lý ra rìa và cũng nhắc tới vị linh mục nổi tiếng này với giọng điệu cà rỡn. Anh chỉ bị ông linh mục chủ nhiệm cảnh cáo nhẹ nhàng nhưng nhiều độc giả Công giáo tới tấp gửi thư về phản đối. Dù rất cưng chiều anh ký giả trẻ tuổi tài hoa này nhưng cuối cùng vị linh mục chủ nhiệm cũng phải cho anh nghỉ việc.
Tôn trọng nguyên tắc không đụng tới hai phạm trù tôn giáo và địa phương mà người đàn anh đã chỉ bảo nhưng rồi tôi cũng bị một “tai nạn nghề nghiệp”. Khoảng cuối năm 1972, tôi viết một “câu chuyện văn hóa” trên tờ tuần báo tuổi mới lớn mà tôi là thư ký tòa soạn, “phang” một anh chàng ca sĩ trẻ đẹp trai mới nổi nhưng khệnh khạng, kênh kiệu. Bấy giờ ca sĩ trẻ nổi tiếng hiếm lắm, không “đông như quân Nguyên” giống bây giờ. Nhiều nữ sinh và các cô gái trẻ thần tượng anh ta - bây giờ gọi là fan - liên tiếp gửi thư về tòa soạn phản đối bài viết. Để xoa dịu, ông chủ nhiệm làm một động tác giả là điều tôi đi làm “đặc phái viên” ở các tỉnh miền Trung! Nhưng thật ra tôi vẫn làm những công việc “bếp núc”(tức thư ký tòa soạn) như cũ, chỉ đổi “chức vụ” trên măng-sét thôi. Cũng may bấy giờ chưa có Internet, nếu có chắc tôi đã bị ném đá tơi bời!
Lại nói chuyện nhạy cảm và tế nhị. Nhiều khi nghe, đọc nhiều bài nói, bài viết né tránh không cần thiết nhiều sự việc mà ai cũng thấy, cũng biết, tôi thấy buồn cười. Ví dụ, mấy năm trước đội bóng đá U-23 Việt Nam thua te tua đội U-23 Thái Lan, thế nhưng khi tổng kết mùa giải, ông chủ tịch VFF nói: “Đội chúng tachưa thành công...”. Một người hâm mộ bóng đá xem tivi đã nổi nóng đập bàn đổ cả bia, nói: “Thua thì nói thua cho rồi, còn bày đặt nói trớ”. Hay một trường đại học nọ cử sinh viên đi thi giải “Sinh viên sáng tạo” gì đó, kết quả đội đứng hạng bét. Khi trả lời báo, người đại diện trường nói là “thành tíchchưa cao”. Sẽ rất tế nhị nếu nói “thành tích còn thấp” nghe còn tạm được. Hoặc công ty kia bị báo chí phanh phui có cán bộ ăn chặn tiền ăn trưa của công nhân. Hành vi ấy xấu quá đi chứ nhưng lãnh đạo công ty nói trong cuộc họp rút kinh nghiệm là “đồng chí ấy chưa tốt!”...
Tế nhị tránh những phạm trù nhạy cảm là cần thiết nhưng nếu tránh né những chuyện mà ai cũng thấy, cũng biết, có khi nó trở nên lố bịch và phản tác dụng.