Nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt - Bài 2: Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao

“Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tất cả những gì biểu trưng cho khát vọng thống nhất nước nhà đều được nhân dân cả nước nhiệt liệt tán thành. Tên nước, quốc kỳ, quốc ca… cũng vậy, khi Quốc hội (QH) đưa ra bàn thảo, dù còn nhiều ý kiến khác song cuối cùng tất cả đều đồng lòng nhất trí thông qua” - nhà báo Lê Văn Nuôi, một trong những đại biểu trẻ nhất QH khóa VI, nhớ lại kỳ họp đầu tiên sau ngày thống nhất.

Suy nghĩ nhiều về tên Bác đặt

Đập vào mắt đại biểu QH khóa VI trong ngày khai mạc kỳ họp là dòng chữ trên tấm phông màn tại Hội trường Ba Đình: Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. “Từ tên gọi này, có đại biểu đề nghị hay ta đặt lại tên QH này là QH khóa I để tỏ rõ đây là QH chung của cả nước. Ý kiến này đã không được QH đồng tình. Cuối cùng QH quyết định lấy tên QH khóa VI để khẳng định tính kế thừa, liên tục của QH từ khóa đầu tiên năm 1946” - ông Phan Minh Tánh, nguyên Ủy viên UBTV QH khóa VI, kể.

Việc đặt tên nước có hai luồng cơ bản: Một là nên giữ lại tên nước do Bác đặt từ năm 1946, hai là đặt tên mới Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). “Nhiều người muốn giữ lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) vì cho rằng nội hàm của nó “rộng rãi” hơn.

Nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt - Bài 2: Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao ảnh 1

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đứng)tại kỳ họp đầu tiên QH khóa VI. Ảnh tư liệu.

Một số người, chủ yếu là đại biểu miền Nam, tuy tán đồng tên mới nhưng phân vân chưa biết XHCN như thế nào, trong khi “dân chủ cộng hòa” thì họ từng nghe, từng biết. Về tình cảm, người ta muốn giữ tên cũ hơn vì đó là tên do Bác đặt. Bản thân tôi thấy tên mới cũng được vì nước nhà đã thống nhất rồi thì đi lên CNXH là điều tất yếu” - ông Tánh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH khóa XI, đại biểu QH từ khóa VI đến khóa XI, thì lập luận: Mục tiêu của cách mạng Việt Nam là phải đưa đất nước từ cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên CNXH trên toàn lãnh thổ, do vậy tên nước cũng phải thay đổi.

Một tương lai mới cho đất nước

Bà Hoài Thu nói: Đất nước vừa giải phóng, lòng người còn thế này thế nọ, đặt tên làm sao để thu phục được lòng người, nhất là những người từng ở “phía bên kia”. “Ta phải chan hòa lại, không gây sự hận thù, không quá vì mình mà coi rẻ những gia đình thậm chí có tội với đất nước. Vì thế lấy tên nước mới, cái tên ấy lại là mục tiêu đưa đất nước hướng đến một tương lai xán lạn cũng là điều nên làm”.

Suy nghĩ ấy không chỉ của riêng bà Hoài Thu.

Đại biểu QH khóa VI, VII, VIII Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Tổng Thư ký Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp, người từng sang Pháp học tập và sinh sống từ năm 1948 mãi đến đầu năm 1976 mới trở về, cũng cùng tâm niệm. Ông Hà nói: “Thực tế lúc ấy chúng ta tồn tại hai nhà nước, hai chính phủ. Lấy tên Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đặt tên chung là điều hiển nhiên không thể. Còn lấy tên VNDCCH ở miền Bắc để đặt tên chung lại có phần áp đặt. Và cái tên CHXHCNVN là giải pháp tối ưu nhất, nó vừa định hướng mục tiêu xây dựng CNXH, vừa mang ý nghĩa tên mới chung cho hai nhà nước vừa “sát nhập”. Cho nên ngoài ý nghĩa chính trị, tôi cho rằng đó chính là giải pháp lòng người”.

Năm ấy “ông nghị” Lê Văn Nuôi vừa tròn 24 tuổi. Giờ đây, khi nói những chuyện này ông Nuôi vẫn chia sẻ bằng suy nghĩ và trái tim của người thanh niên ngày đó chứ không phải bằng sự chiêm nghiệm của người đàn ông vào tuổi 60 bây giờ.

Nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt - Bài 2: Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Trà Giang tại QH khóa VI. Ảnh tư liệu.

“Có thể nói việc thảo luận đổi quốc kỳ, quốc ca, tên nước… khi ấy chủ yếu thể hiện tính thống nhất cao, ý kiến khác chỉ là thuyết minh thêm để tạo sự đồng thuận về mặt tình cảm”. Theo ông Nuôi, về mặt chủ quan, sự lãnh đạo của Đảng ở cấp cao đã kết tinh được ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân. Còn khách quan là bối cảnh đất nước thống nhất đã làm vỡ òa niềm vui, xóa được sự chia cắt nhiều năm của đất nước. “Ý muốn tự thân của mỗi đại biểu, của nhân dân nói chung và của những người từng tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc đều nhiệt tâm ủng hộ những gì thể hiện được ý nguyện thống nhất. Đó chính là lý do khiến QH khi đó thống nhất cao độ chứ không phải hình thức bề ngoài đưa tay biểu quyết nhưng trong lòng lại mang suy nghĩ khác” - ông Nuôi khẳng định.

“Cha đâu, con đó” 

Trong bài phát biểu trước QH của đại biểu Lê Văn Nuôi có đoạn (đại ý): Chúng tôi (tức Đoàn đại biểu QH TP.HCM - PV) hoàn toàn nhất trí với việc đất nước có được ngọn cờ đỏ sao vàng thống nhất, tên gọi thống nhất. Bởi trước giải phóng, mỗi khi có người ra Bắc, các má, các chị ở miền Nam thường nhắn gửi câu hò thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt với Bác Hồ, với Đảng. Rằng: “Con ra thưa với Bác Hồ/ Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”. Chính cái ý chí, khát vọng thống nhất ấy được nung nấu và cụ thể hóa bằng hình ảnh lá cờ Tổ quốc...

Bài phát biểu của ông Nuôi được cả QH vỗ tay rào rào. 

Về quyết định chọn thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết cũng có ý kiến cho rằng nên dời thủ đô về cố đô Huế. Họ nói nhà Nguyễn từng chọn Huế làm kinh đô, giờ ta nên kế thừa, như thế ở miền Nam ra cũng gần mà miền Bắc vào cũng tiện. Ý kiến khác thì bảo miền Nam mới giải phóng, hay ta đưa thủ đô về TP.HCM vì cơ sở vật chất ở đây khá tốt. “Tôi nhớ lúc đó có đại biểu đứng dậy nói: Cha đâu con đó, cha đã nằm ở Hà Nội thì con cũng phải “đi về” với cha; nếu đưa thủ đô về Huế chả lẽ lại dời cha đi? Còn đưa vào SG thì nó càng lệch về một phía… Lời phát biểu cảm động được cả QH đồng tình” - bà Hoài Thu nhớ lại.

“Chỉ có việc chọn quốc ca là vẫn còn tranh luận” - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Trà Giang, nguyên đại biểu QH khóa V, VI, VII, nói. Theo nghệ sĩ, hồi đó có đại biểu nói rằng đất nước đã sang giai đoạn mới, hòa bình độc lập rồi, cần phải có bài quốc ca phù hợp. “Ý tưởng này được chuyển cho Hội Nhạc sĩ để hội phát động cuộc thi sáng tác. Nhưng khi đưa ra thì QH đã không chọn được bài nào. Căng nhất là có đại biểu quân đội nói các cử tri đề nghị không đổi bài Tiến quân ca, nếu đổi khi có chiến tranh họ không ra trận được! Việc tranh luận này kéo dài đến gần cuối khóa VII mới quyết định dừng không bàn nữa. Cuối cùng quyết định chọn bài Tiến quân ca từ kỳ họp đầu tiên đã đứng vững đến bây giờ”.

Và rồi ngày 2-7-1976, QH khóa VI đã thống nhất tên nước là CHXHCNVN cho mãi đến tận bây giờ, cùng với quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và thủ đô Hà Nội.

Do điều kiện đất nước còn phải đối diện với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nên trong nhiệm kỳ này, chức năng lập pháp của QH vẫn còn hạn chế. Cụ thể, QH đã thông qua được một hiến pháp, một luật và năm pháp lệnh. Đó là Hiến pháp năm 1980 (ban hành ngày 19-12-1980); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ban hành ngày 20-12-1980); Pháp lệnh Về việc xin ân giảm án tử hình và xét duyệt án tử hình (ngày 2-12-1978) và bốn pháp lệnh khác.

THÁI BÌNH - THÙY DUNG

Kỳ tới: “Chuẩn y” thành phố mang tên Bác

Ngày 2-7-1976, Sài Gòn chính thức mang tên thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng trước đó, trong tâm thức người Việt Nam, thành phố này từ lâu đã mang tên Bác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm