Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: 'Tôi đã trả được nợ với nghề'

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: 'Tôi đã trả được nợ với nghề'

(PLO)- Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết đã trả được món nợ với các nghề truyền thống của Việt Nam.

10 năm xuôi ngược Nam Bắc, dành nhiều tâm huyết thực hiện 66 bộ ảnh về nghề truyền thống, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã chọn lọc ra 45 bộ ảnh để thực hiện cuốn sách ảnh cùng triển lãm mang tên Nghề truyền thống Việt (tựa tiếng Anh: Vietnam’s Traditional Crafts).

Đây là cuốn sách ảnh thứ 13 và triển lãm cá nhân thứ 19 trong sự nghiệp nhiếp ảnh của anh.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cùng cuốn sách ảnh Nghề truyền thống Việt. Ảnh: NVCC

Nhân ngày diễn ra triễn lãm và giới thiệu sách, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã có buổi trò chuyện với báo Pháp Luật TP.HCM để nhìn lại hành trình theo đuổi chụp ảnh nghề truyền thống, cũng như những điều bản thân muốn gửi gắm qua sách ảnh này.

Đề tài nghề truyền thống ăn sâu vào máu

. Phóng viên: Làng nghề truyền thống Việt Nam không phải là chủ đề mới, với bộ ảnh lần này, anh tự tin đem đến những điểm mới gì?

+ Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: Trong 10 năm qua, tôi đến những làng nghề của Việt Nam như làng gốm Bát Tràng, gốm Bàu Trúc, tranh Đông Hồ, dệt lụa An Giang, làm giấy bản tại Cao Bằng… và chụp được 66 bộ ảnh. Sau khi chọn lọc, tôi chỉ chọn ra 45 bộ ảnh để đưa vào triển lãm cũng như sách ảnh.

Tiêu chí tôi thực hiện bộ ảnh là đi tới những làng nghề mà khi nhắc đến ai cũng sẽ có ấn tượng và nhớ đến. Bên cạnh đó, tôi đi tìm những làng nghề phải còn tính truyền thống, sự mộc mạc, nếu có tính hiện đại xuất hiện thì tôi sẽ không tác nghiệp ở đó. Vì vậy tôi nghĩ mình đã có được những bộ ảnh chân thật, rõ nét về những làng nghề truyền thống của Việt Nam.

nhiep-anh-gia-tran-the-phong1.jpg
Nghề làm thúng tại Phú Yên

. Lý do anh dụng công trong khoảng thời gian dài như vậy?

+ Thực ra hơn 10 năm trước tôi đã chụp được rất nhiều nghề truyền thống nhưng tôi không dám thực hiện dự án này vì e ngại về kinh phí, sự công phu, phương tiện máy móc… Bên cạnh đó độ chín mùi về tư duy của tôi cũng chưa tới. Đến bây giờ tôi cảm thấy đã đủ duyên, đủ chín mùi thì tôi chú tâm nhiều hơn và quyết định thực hiện.

. Việt Nam là đất nước có rất nhiều làng nghề truyền thống, anh chọn lọc ra sao về các làng nghề để giới thiệu đến người xem?

+ Việt Nam có hàng trăm làng nghề, nhưng với tôi, chọn được một làng nghề để chụp ảnh bên cạnh tiêu chí làng nghề truyền thống, nét đặc trưng, thì các nghệ nhân phải toát lên được niềm đam mê nghề truyền thống thực sự.

Những người làm nghề truyền thống thân thiện, gần gũi từ đó tạo cảm xúc mạnh cho tôi để tôi bấm máy. Từ đó, những góc máy tôi chụp khi người trong nghề hay công chúng thưởng lãm sẽ cảm nhận được ngay.

Đồng thời, hình ảnh phải đảm bảo tính hiện thực, phải bắt được những khoảnh khắc đẹp, bố cục ánh sáng phải rất kỹ, chỉn chu…

nghe-truyen-thong1.jpg
Nghề đúc gang tại Hải Phòng.

. Nhìn cách anh tâm huyết với bộ ảnh như thấy được anh nặng nợ rất nhiều với nghề truyền thống, có phải đây là cách anh "trả nợ"?

+ Đúng rồi! Với bản thân tôi, đề tài về người lao động cũng như nghề truyền thống đã ăn sâu vào trong máu. Tôi thích được ghi lại khoảnh khắc của những người lao động chân chính, yêu nghề và bảo tồn văn hoá của Việt Nam nên khi thực hiện tôi rất tâm đắc.

Lần này tôi muốn đưa những hình ảnh của những người lao động lên một vị trí sang trọng để vươn ra thế giới, mọi người xem sẽ trân trọng họ hơn.

Đồng thời bộ ảnh cũng sẽ giúp cho người xem nhớ lại, cũng như chạm đến được cảm xúc của họ để họ trở về hoặc tìm đến những làng nghề đó. Đó cũng là một cách tôi trả nợ trong vai trò là một người con của đất Việt Nam và tôi nghĩ mình đã làm được.

. Có nghề truyền thống nào khi chụp ảnh đã khiến anh phải trăn trở, tâm tư?

+ Chắc chắn là có. Như nghề làm chiếu của Việt Nam, hiện tại để kiếm được một làng chiếu thủ công rất khó. Tôi từng đến chụp làng chiếu tại Phú Yên và suy nghĩ rất nhiều khi thấy một tấm chiếu được các nghệ nhân làm thủ công suốt một ngày trời chỉ thu lại được vài trăm ngàn.

Trong khi gần đó, các nhà máy công nghiệp sản xuất chiếu mọc lên như nấm, một ngày cho ra hàng trăm tấm chiếu và tất nhiên tiết kiệm được thời gian công sức đồng thời doanh thu cũng tốt hơn.

nghe-truyen-thong2.jpg
Nghề dệt chiếu tại Phú Yên.

Khi đó tôi nghĩ nếu bản thân không chụp những nghề truyền thống này thì sợ rằng các làng nghề tương tự như vậy sẽ dần bị mai một và khó có thể bảo tồn nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, những người yêu nghề, đam mê nghề truyền thống hiện nay thật sự rất hiếm. Trước đây tôi từng đi chụp làng nghề làm nón lá tại Huế, người thầy làm nghề nhận và truyền nghề cho khoảng 20 học trò nhưng dần theo thời gian chỉ có 1-2 người ở lại đi theo làm nghề.

Triển lãm, giới thiệu sách ảnh Nghề truyền thống Việt của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong diễn ra vào sáng 1-8. Thời gian từ 8 giờ đến 18 giờ tại khách sạn Majestic Saigon, quận 1, TP.HCM.

Hạnh phúc lớn nhất là thể hiện niềm tự hào văn hóa

. Nhìn lại hành trình 10 năm anh có còn tiếc nuối điều gì không?

+ Tôi đã xác định từ đầu bản thân làm mọi việc đều từ hai chữ “nhân duyên”. Tôi cảm thấy mình chọn, hay làm được đến đâu thì cũng nhờ đủ duyên. Do đó khi hoàn thành bộ sách ảnh này, tôi cảm thấy hài lòng, vì điều gì cũng vậy nếu đầy đủ hết thì sẽ không có sự tiếc nuối, người xem sẽ không suy nghĩ hay trăn trở bàn luận gì về bộ ảnh.

. Mất 10 năm để thực hiện nhưng chỉ có 1 ngày triển lãm anh có cảm thấy hơi phí?

+ Không đâu! Tôi nghĩ bản thân thực hiện triển lãm Nghề truyền thống Việt như cuộc đời một con người. Khi lớn lên, quen nhau, yêu thương nhau bao lâu đi nữa thì làm đám cưới cũng chỉ có trong một ngày. Chỉ có một ngày con người cũng sẽ tạo nên hạnh phúc, nhận sự chúc phúc của mọi người.

Với triển lãm lần này, tôi muốn tạo nên một sự đặc biệt độc đáo, trong đó chỉ có một ngày, ai có duyên thì đến thưởng lãm qua đó mới tạo nên được sự khác biệt so với những triển lãm trước đây của tôi.

nghe-truyen-thong.jpg
Nghề làm gốm Bát Tràng

. Anh nói muốn giới thiệu các nghề truyền thống thông qua bộ sách ảnh nhưng nó có giá đến 10 triệu đồng, anh có nghĩ điều này sẽ khiến người xem khó tiếp cận?

+ Đối với cuốn sách ảnh này để có thể ra mắt, bên cạnh tâm huyết, công sức thời gian của riêng tôi, còn có rất nhiều người tài hoa bắt tay thực hiện. Trong đó có 45 làng nghề, rất nhiều nghệ nhân… chưa kể những người biên soạn, phiên dịch.

Bên cạnh đó, hình thức của sách cũng rất công phu. Tôi đã đặt cuốn sách ảnh trong hộp được Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh chuyên về sơn mài gia công. Chỉ riêng khâu thực hiện hộp sách, tôi phải chạy xe máy 7 lần lên đến Bình Dương nơi nghệ nhân Lê Bá Linh để trao đổi từng chi tiết một.

Vì vậy, cá nhân tôi nghĩ không có gì là đắt cả. Tôi cho rằng đơn giản là chữ "duyên", ai ủng hộ mua sách là nhân duyên. Cả thể giới chỉ có 100 cuốn sách ảnh này, vì vậy 100 người đủ duyên sẽ sở hữu nó chứ không phải là về tiền bạc.

. Ra mắt cuốn sách ảnh cùng triển lãm, anh muốn mang đến điều gì? Và hẳn hành trình chụp nghề truyền thống vẫn chưa dừng lại?

+ Với tôi một thông điệp chính là muốn lan toả nét văn hoá làng nghề truyền thống, quảng bá hình ảnh của Việt Nam cũng như tự hào khi đất nước có nhiều nghệ nhân tài hoa đang cố gắng gìn giữ các làng nghề truyền thống.

Điều này giúp những người đang muốn khám phá, trải nghiệm tìm đến những làng nghề truyền thống nhiều hơn. Hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là thể hiện niềm tự hào về văn hoá của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, lần này tôi muốn đem niềm tự hào về làng nghề truyền thống Việt Nam ra thế giới để đến khi xem họ cũng phải trân trọng. Một cuốn sách ảnh đạt chuẩn, có văn hóa, giới thiệu nghề truyền thống Việt cũng như quảng bá du lịch.

Còn với đề tài nghề truyền thống, tôi cũng sẽ tiếp tục chụp nhưng không xuất bản nữa vì lần này tôi đã ra mắt bộ sách ảnh là phiên bản giới hạn nếu xuất bản sách ảnh hay triển lãm nữa thì nó sẽ không có gì giá trị. Tôi nghĩ mình phải biết dừng đúng lúc.

. Cảm ơn nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã chia sẻ!

nghe-truyen-thong3.jpg
Nghề đúc đồng tại Huế

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong là một trong những tay máy kỳ cựu tại TP.HCM. Anh từng nhận trên 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật và báo chí trong và ngoài nước; 16 lần giải thưởng ảnh báo chí thành phố và quốc gia; 12 lần giải thưởng xuất sắc quốc gia (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) Giải thưởng lớn - Grand - Prix (Japan); 3 huy chương vàng Trierenberg Super Circuit (Áo); 5 huy chương Asahi Shimbun (Japan)...

Những sách ảnh đã ra mắt gồm: Gánh, Những nẻo đường tuổi thơ, Vượt qua bóng tối, Ánh sáng cuộc sống, 45 ngày tại Thụy Sĩ, Mưu sinh, Chân dung, Nhịp sống Sài Gòn, Sài Gòn COVID-19, Cười, Sài Gòn COVID-19 (2021), Bóng.

Đọc thêm