Từ đầu đến hết tháng 12-2016, BV Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận gần 20 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh lạ. Hội chứng da niêm mạc hạch bạch huyết hay còn gọi là bệnh Kawasaki, căn bệnh liên quan đến tim mạch nhưng rất dễ nhầm lẫn với sốt phát ban.
Bác sĩ cũng nhầm lẫn
Theo thống kê từ BV Nhi đồng Cần Thơ, mỗi năm BV này chỉ tiếp nhận vài trường hợp bệnh nhân mắc Kawasaki nhập viện. Tuy nhiên, cuối năm 2016 số bệnh nhi mắc căn bệnh lạ này lại tăng đột biến. Khác với nhiều bệnh lý khác, bệnh Kawasaki vẫn còn rất xa lạ với nhiều phụ huynh, thậm chí với các bác sĩ tuyến dưới hay bác sĩ không chuyên.
Mới đây, bệnh nhi NTTK (27 tháng tuổi, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) sau bốn ngày sốt cao, góc hàm trái sưng to, người nổi nhiều mẩn đỏ. Bố mẹ bé cho rằng bé K. mắc quai bị nên đưa đến một phòng khám tư nhân điều trị. Bé được bác sĩ chẩn đoán sốt phát ban, cho uống thuốc, tuy nhiên sau hai ngày vẫn không khỏi. Bé K. được gia đình chuyển đến BV Nhi đồng Cần Thơ. Bé nằm tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng sốt cao, môi đỏ, lưỡi đỏ lấm chấm như trái dâu tây. Chân tay có dấu hiệu sưng phù, hồng ban nổi thành từng mảng đỏ ở ngực và bụng ngày một nhiều hơn... Xét nghiệm cho kết quả bạch cầu tăng cao, siêu âm ghi nhận hạch cổ trái to, siêu âm tim thấy giãn động mạch vành. Kết luận bé mắc bệnh Kawasaki, cần điều trị đặc biệt.
Tương tự, trong năm qua BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng ghi nhận vài chục trường hợp nhưng đa số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khá nặng. Bệnh nhi thường trải qua nhiều giai đoạn điều trị phụ huynh mới biết con mình mắc căn bệnh kỳ lạ này.
Tại BV Nhi đồng 1, ngay ngày đầu năm 2017, chị Nguyễn Bích Ngọc (39 tuổi, ngụ đường Mã Lò, quận Bình Tân) cho biết khi thấy con bị sốt cách đây hai ngày, trên cơ thể xuất hiện nhiều ban đỏ. Như bình thường chị cho bé uống thuốc hạ sốt trước, sau đó mới đưa đi bệnh viện. “Ban đầu cũng nghĩ con bị phát ban nhưng sau khi xét nghiệm bác sĩ thông báo bé bị bệnh Kawasaki. Bệnh biến chứng có thể xảy ra tổn thương trên tim. Hai vợ chồng rất bất ngờ vì chưa bao giờ nghe đến căn bệnh này” - chị Ngọc nói.
Khảo sát các phụ huynh có mặt tại khoa Tim mạch - BV Nhi đồng 1 có con bị mắc Kawasaki thì hầu như 8/10 phụ huynh đều không biết gì về căn bệnh này.
Trẻ mắc bệnh Kawasaki đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HP
Bệnh Kawasaki có triệu chứng nổi mẩn đỏ và sốt, dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Ảnh: HP
Bệnh khó chẩn đoán
Theo TS-BS Lê Thái Thanh Vân, BV ĐH Y Dược TP.HCM, bệnh Kawasaki là một biểu hiện trên da do hệ miễn dịch bị xáo trộn, được xếp vào nhóm bệnh tự miễn hay nhóm bệnh viêm mạch. Bệnh không phải do tác nhân như vi trùng, siêu vi… mà là cơ thể tự tạo cơ chế miễn dịch gây viêm các mạch máu.
Theo BS Vân, bệnh hay xuất hiện vào mùa đông-xuân, nhất là vào thời tiết lạnh bệnh này xuất hiện càng nhiều hơn. Do đặc điểm của bệnh nằm trong một bệnh cảnh rất giống với nhiều bệnh lý khác như sốt, khoảng vài ngày sau da nổi đỏ, kết mạc của bé bị đỏ, da bị khô, đỏ, tróc vảy... nên nhiều người vẫn hay nhầm lẫn với các bệnh thông thường như cảm sốt, ban đỏ. Một dấu hiệu khác là cổ bé nổi hạch to khoảng 1,5 cm nên đa phần phụ huynh cho rằng con mình mắc quai bị.
Đối với các bé mắc bệnh Kawasaki, khoảng một tuần sau khi bé bị nổi mẩn đỏ và sốt, một tỉ lệ nhất định nào đó sẽ bị ảnh hưởng tới cơ quan nội tạng như tim mạch (viêm cơ tim, sau khi bé sốt khoảng tuần thứ 3-4). Những bệnh lý được xếp vào nhóm tự miễn, viêm mạch sẽ tiềm tàng trong cơ thể bệnh nhi, không điều trị dứt điểm được. Khi bé lớn dần lên thì hoạt tính bệnh lui dần, âm ỉ, hoặc dừng ở mức không có biểu hiện đáng ngại nữa, tạm gọi là khỏi bệnh.
“Tuy nhiên, nếu để lâu, tim bị viêm đến mức bị thương tổn, tắc mạch máu tim, cơ tim hoại tử, thậm chí viêm màng não thì hậu quả rất nặng nề” - BS Vân cảnh báo.
BS Hà Anh Tuấn, BV Nhi đồng Cần Thơ, cho biết bệnh này xuất hiện ồ ạt giữa thập niên 1980, đặc biệt ở những nước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan… Tỉ lệ trẻ mắc bệnh tăng dần đến khoảng giữa thập niên 1990 thì giảm. Hiện nay tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ khoảng 110-140 ca/100.000. Lứa tuổi thường gặp ở trẻ nhỏ hơn năm tuổi, cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn sáu tháng, nhất là ở bé trai rất dễ bị tổn thương mạch vành - mạch máu nuôi tim dẫn đến hoại tử. Cho đến nay trên thế giới vẫn chưa tìm ra cơ chế gây bệnh Kawasaki ở trẻ em. Một số giả thuyết cho rằng bệnh Kawasaki có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, siêu vi trên những đứa trẻ có một cơ thể đặc biệt. ______________________________ Khi thấy trẻ, thường trẻ dưới năm tuổi, có các biểu hiện sốt cao, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ rực, bong rộp ở miệng, bong da ở đầu các ngón tay, chân..., phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi ngay. Nếu trẻ bị sốt mà điều trị thấy không cải thiện thì cha mẹ nên cảnh giác bệnh lý Kawasaki và đưa bé đến tuyến cao hơn. Khuyến cáo của BV Nhi đồng 1, TP.HCM |