Nhiều ca viêm phổi biến chứng nặng khi trời lạnh

(PLO)- Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm phổi có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và tổn thương đa cơ quan.

Bệnh viêm phổi có thể xảy ra bất cứ mùa nào, ở mọi lứa tuổi. Vào mùa lạnh, thời tiết giảm sâu, căn bệnh này thường xảy ra nhiều hơn.

Nhiều ca viêm phổi phải thở máy, lọc máu

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho gần 20 bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi, trong đó có những ca nặng phải thở máy, lọc máu liên tục.

Bệnh nhân Trần Văn T (62 tuổi, ngụ Hà Nội), nhập viện trong tình trạng rất nặng: khó thở nghiêm trọng, môi tím tái, ý thức mơ hồ, chỉ số SPO2 (độ bão hoà oxy trong máu) chỉ đạt 47%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình thường trên 92%.

Trước đó, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hơn 10 năm, thường xuyên sử dụng thuốc xịt hỗ trợ thở chứa corticoid tại nhà mà không tuân thủ điều trị định kỳ.

Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân T tiếp xúc với người thân mắc cúm, sau đó ông nhanh chóng xuất hiện triệu chứng sốt cao, khó thở ngày càng nặng, kèm ho và đờm đặc.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm phổi nặng, nhiễm cúm A và bội nhiễm nấm Aspergillu. Đây là hậu quả nghiêm trọng của việc lạm dụng corticoid kéo dài, làm suy yếu hệ miễn dịch trầm trọng.

Bệnh nhân được đặt ống thở máy để duy trì hô hấp, sử dụng kháng sinh phổ rộng để chống nhiễm trùng và thuốc kháng nấm để diệt nấm phổi.

Sau 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân cải thiện, tiếp tục được theo dõi chặt chẽ để ngăn ngừa biến chứng tái phát.

Bệnh nhân T đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Còn bệnh nhân Nguyễn Văn V (48 tuổi, ngụ Thanh Hoá), nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau 3 ngày sốt cao, khó thở tăng dần và tụt huyết áp. Được biết, bệnh nhân có tiền sử lạm dụng rượu kéo dài, dẫn đến xơ gan nhưng không điều trị thường xuyên.

Ban đầu, bệnh nhân V đến khám tại cơ sở y tế tuyến dưới và được chẩn đoán viêm phổi thùy phải kèm sốc nhiễm khuẩn.

Sau đó, do tình trạng bệnh không cải thiện và nhanh chóng chuyển nặng, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng với tổn thương lớn ở phổi phải. Các xét nghiệm cho thấy chỉ số đông máu chỉ đạt 26%, rất thấp so với mức bình thường 70-140%, khiến ông đối mặt với nguy cơ chảy máu nghiêm trọng.

Vệnh nhân được đặt ống thở máy, lọc máu liên tục để loại bỏ độc tố và sử dụng kháng sinh mạnh kết hợp thuốc hỗ trợ tuần hoàn. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân Vũ Nhất Q (32 tuổi, ngụ Hà Nội), cũng nhập viện do mắc bệnh viêm phổi. Đáng lưu ý, anh Q có tiền sử khỏe mạnh, không bệnh lý nền.

Trước đó, do ho kéo dài gần 1 tháng, anh Q đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được chẩn đoán mắc viêm phổi cấp, được chỉ định uống thuốc theo dõi tại nhà.

Sau đó, tình trạng ho không cải thiện, kèm đau tức ngực, anh Q đến khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương, được chẩn đoán mắc viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị nội trú.

Nhu mô phổi của bệnh nhân Q bị tổn thương nặng. Ảnh: TT

Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm phổi là căn bệnh phổ biến, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Đặc biệt, bệnh này nguy hiểm hơn đối với những người mắc bệnh nền hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm phổi có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và tổn thương đa cơ quan.

Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi khó nhận biết

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trong các bệnh thường gặp vào mùa lạnh, cần đặc biệt lưu ý đề phòng các bệnh về phổi.

Biến đổi của phổi theo tuổi tác rất rõ, tuổi càng cao thì cơ quan này càng có sự lão hóa rõ rệt. Vách phế nang - mao mạch thường bị teo, mô tạo keo dần dần thay thế cho những mao mạch đã bị thưa, khiến cho không khí qua lại không được dễ như lúc còn trẻ.

Mặt khác, các triệu chứng viêm phổi ở người cao tuổi ban đầu thường khó nhận biết, rất dễ bị bỏ qua, đến khi bệnh rõ thì đã muộn, khó chữa.

“Bệnh về phổi ở người cao tuổi diễn tiến nặng hơn so với người trẻ, có khi chứng viêm mũi họng nhẹ cũng nặng lên thành viêm phế quản. Viêm phế quản ở người cao tuổi thường kéo dài, dễ tái phát và tiến triển thành mãn tính.

Một số người cao tuổi vốn đang khoẻ mạnh, nhưng chỉ cần qua một đợt nhiễm lạnh đã mắc bệnh viêm phổi. Bệnh tiến triển nhanh, gây suy hô hấp với các biểu hiện khó thở, thở nhanh và nông, mạch nhanh”, PGS Nhung nói.

Bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TT

Cũng theo bác sĩ Nhung, trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, phản ứng đối với các tác nhân bên ngoài, trong đó có vi khuẩn không tốt. Tương tự, đối với người già, do quá trình lão hoá, cũng có sức đề kháng, miễn dịch kém hơn. Do vậy, các tác động từ môi trường, thay đổi thời tiết, nhiệt độ, vi khuẩn, virus… rất dễ gây ảnh hưởng đến những đối tượng này, khiến cơ thể không đáp ứng được.

Mặc dù vậy, những người trẻ làm việc trong thời gian dài ở ngoài trời, thường xuyên uống rượu bia, tắm muộn trong thời tiết lạnh cũng có thể mắc viêm phổi.

"Bệnh viêm phổi được cảnh báo ở mọi lứa tuổi, trong đó người cao tuổi dễ gặp biến chứng nặng hơn", ông Nhung nhấn mạnh.

Theo đó, triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm phổi là ho, ho khan, ho có đờm, đau ngực, nặng hơn có thể bị khó thở, kèm theo sốt, rét run.

Đáng lưu ý, bệnh viêm phổi ở người cao tuổi có một số đặc điểm khác với viêm phổi ở người trẻ tuổi, trẻ em. Ở người già, bệnh ít khi có khởi phát đột ngột, rầm rộ, thường âm ỉ, không có biểu hiện rõ ràng, các triệu chứng không thật sự điển hình.

Để phòng ngừa và kiểm soát bệnh viêm phổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch, nên tiêm phòng cúm hàng năm và vaccine phế cầu một lần trong đời để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng.

Những người có bệnh nền cần tuân thủ điều trị định kỳ, tránh tự ý dùng thuốc, đặc biệt là corticoid vì có thể làm suy giảm miễn dịch.

Bên cạnh đó, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh.

Khi có các dấu hiệu như sốt cao, ho kéo dài hoặc khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ TRẦN VĂN BẮC, Phó khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới