Nhiều chuyên gia ủng hộ giữ lại ga Sài Gòn

(PLO)- TP sắp có đường sắt đô thị và có sẵn đường sắt vào trung tâm TP nên cần giữ lại Ga Sài Gòn, thậm chí nên mở rộng thêm, có cả các khu dịch vụ như khách sạn, khu mua sắm…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong gói thầu lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM của Cục Đường sắt Việt Nam, Ga Sài Gòn được đề xuất giữ lại làm ga trung tâm hành khách và mở rộng thêm 2,85 ha so với hiện hữu. Nhiều chuyên gia đô thị đã có ý kiến xung quanh vấn đề này.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM

Mấy chục năm trước việc giữ lại Ga Sài Gòn và làm đường sắt trên cao cũng đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng cùng với đơn vị tư vấn của Nhật. Sau đó, đơn vị tư vấn cũng thống nhất đưa ra phương án như hiện nay là giữ lại Ga Sài Gòn.

TS Võ Kim Cương

TS Võ Kim Cương

Chúng ta có thể thấy nguyên lý chung khi giữ lại ga đường sắt trong nội đô là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách. Họ có thể xuống ga và đi vào trong TP ngay, thậm chí sẽ nối với các tuyến đường sắt đô thị để di chuyển tiếp tới các nơi khác.

Ngoài ra, ga trong nội đô cũng có thuận lợi là có hạ tầng giao thông sẵn. Chúng ta chỉ cần nâng cấp, giải quyết các vấn đề công trình để phát triển và khi giữ Ga Sài Gòn thì phải làm đường sắt trên cao. Làm đường sắt trên cao cũng như làm metro hiện nay, các vấn đề kỹ thuật đều có phương án khả thi.

Cũng có nhiều ý kiến nên di dời ga ra khỏi nội đô để tránh giao cắt hoặc tránh kẹt xe. Tuy nhiên, nếu di dời ra ngoại thành thì chúng ta cũng phải có phương án di chuyển hành khách ra ga ngoại thành, cũng phải có thêm xe buýt, xe trung chuyển chạy thường xuyên… cũng chưa chắc là đã giảm kẹt xe như ga trong nội đô.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam

Cần nhìn bài học di dời Bến xe miền Đông

Việc di dời hay giữ lại Ga Sài Gòn đều cần phải có nghiên cứu, tính toán cẩn thận dựa trên các số liệu, các luận chứng kinh tế rõ ràng. Tôi nghĩ khi tư vấn đề xuất Ga Sài Gòn là ga trung tâm hành khách thì họ đã có các nghiên cứu kỹ vấn đề này.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

TS Nguyễn Hữu Nguyên

Tất nhiên, giữ lại hay di dời ga cần nhìn thêm các bài học kinh nghiệm tương tự. Chẳng hạn như câu chuyện di dời Bến xe Miền Đông từ nội đô ra phía ngoài, lập Bến xe Miền Đông mới thì ngay lập tức vắng khách, không đáp ứng đúng công suất bến xe.

Ga Sài Gòn cũng vậy, chúng ta không nên bỏ hẳn hay di dời mà nên biến nó thành trung tâm hành khách (không hàng hóa, không có cơ sở bảo dưỡng tàu…) vì người dân đã quá quen thuộc với ga, với hành trình của mình khi đi đến đây.

Còn về việc mở rộng, tôi nghĩ cũng không cần và cũng không còn đất xung quanh ga để mở rộng. Chúng ta chỉ cần nâng cấp, tổ chức lại ga cho hợp lý để thuận tiện hơn cho hành khách, với cơ sở vật chất, trang thiết bị ở Ga Sài Gòn hiện nay cũng đã đáp ứng chất lượng, người dân cũng rất ít phàn nàn về chất lượng phục vụ của ga này. Giữ lại ga thì làm đường sắt trên cao, phương án này cũng không ảnh hưởng gì cả, không ảnh hưởng đến giao thông bộ bên dưới, đi trên cầu cạn cũng giống như metro hiện nay.

Ga Sài Gòn đã có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ga Sài Gòn đã có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Kiến trúc sư KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

Lưu ý phương án kết nối ga trung tâm

Ga Sài Gòn làm ga trung tâm thì với diện tích hiện nay có thể đảm bảo làm ga trung chuyển hành khách. Tuy nhiên, giao thông kết nối xung quanh cần được mở rộng và hoàn thiện hơn nữa và phải có các hướng giao thông công cộng kết nối vào ga.

KTS Khương Văn Mười

KTS Khương Văn Mười

Tức là nếu có phương án biến Ga Sài Gòn thành ga trung tâm thì phải có phương án kết nối các phương tiện, kể cả công cộng, rồi các hình thức vận chuyển hành khách khác. Chúng ta không thể nói phương án giữ lại ga là đúng hay sai mà tất cả khi đề xuất tư vấn đều có tính toán và có các phương án rất cụ thể cho đề xuất đó.

Làm đường sắt trên cao là ý tưởng và có nghiên cứu từ rất lâu. Theo đơn vị tư vấn, đường sắt trên cao sẽ từ Ga Bình Triệu về Ga Sài Gòn. Do phía Bình Triệu cao hơn ở Ga Sài Gòn khoảng 5-10 m nên làm đường sắt trên cao phải tính toán hợp lý và làm không ảnh hưởng giao thông nhiều.

TSKH - Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN

Giữ lại Ga Sài Gòn là quá tốt

Theo tôi, việc giữ lại Ga Sài Gòn là quá tốt, trước đây có nhiều ý kiến về việc di dời Ga Sài Gòn ra khỏi nội đô, tôi cũng có nhiều ý kiến với TP là nên giữ lại Ga Sài Gòn như hiện nay.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn

Chúng ta đầu tư metro hàng tỉ USD để có đường sắt đô thị còn hiện chúng ta đã có sẵn đường sắt vào trung tâm TP thì không nên bỏ, thậm chí nên mở rộng Ga Sài Gòn, có cả các khu dịch vụ như khách sạn, khu mua sắm… Người dân từ các tỉnh lên ga có thể nghỉ ngơi và đi xe lửa và hoặc vào trung tâm TP.

Trước thì Ga Sài Gòn ở gần chợ Bến Thành, sau đó vào Công viên 23/9, đến giờ dời vào ở quận 3 như hiện nay, theo tôi nếu ga còn ở khu vực chợ Bến Thành thì còn tốt hơn nữa, vị trí như bây giờ cũng đã là thuận lợi và cần giữ lại.

Làm đường sắt trên cao cũng không vấn đề gì, đồng thời nếu tổ chức tốt Ga Sài Gòn đưa đón khách hình thành đô thị ga thì tôi nghĩ còn khuyến khích người dân đi tàu lửa nhiều hơn nữa.•

Lịch sử ba lần sinh - tử của Ga Sài Gòn

Theo Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn, mốc đầu tiên của đường sắt Việt Nam là tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, được khởi công xây dựng năm 1881, dài 71 km. Sau năm 1954 việc khai thác tuyến đường này bước vào giai đoạn suy thoái và bị hủy bỏ.

Tuyến đường sắt thứ hai là đoạn đường sắt Sài Gòn, Dĩ An, Lộc Ninh dài 69 km. Tuyến này bắt đầu khai thác năm 1933, đến năm 1937 sáp nhập vào hệ thống hỏa xa Đông Dương thành tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Sau chiến tranh tuyến đường này bị bãi bỏ.

Tuyến đường sắt thứ ba là Sài Gòn - Biên Hòa - Hà Nội bắt đầu xây dựng từ năm 1906 và tới năm 1936 sau mới hoàn thành. Do chiến tranh nên toàn tuyến bị cắt đứt nhiều đoạn và sau năm 1975 đã được Chính phủ khôi phục tuyến đường sắt thống nhất Hà Nội - Sài Gòn. Vị trí ở gần bùng binh Quách Thị Trang - chợ Bến Thành. Năm 1978, Ga Sài Gòn dời về Ga Bình Triệu, đồng thời nâng cấp, tu sửa Ga hàng hóa Hòa Hưng cũ để thành Ga hành khách Sài Gòn. Năm 1983, Ga Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động, khai thác với diện tích 40.000 m2, thuộc phường 9, quận 3 đến nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm