Ngày 31-5, chia sẻ với báo chí, BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng BV Nhi đồng 1, cho biết hiện mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 500 trẻ bị điếc bẩm sinh cần được can thiệp.
Phương pháp để can thiệp trẻ bị điếc bẩm sinh hiệu quả nhất hiện nay là cấy ốc tai điện tử. Sau khi cấy ốc tai điện tử, các bé có thể nghe thấy ngay các âm thanh và mất khoảng sáu tháng tập luyện, các bé mới quen dần và có thể nói. Cũng trong cùng ngày, BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận hai bộ cấy ốc tai điện tử của Trung tâm chăm sóc sức nghe hearLIFE dành cho trẻ khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nguyễn Quỳnh Trang, mẹ bé Giáp Nguyễn Bảo Ngọc (sáu tuổi), chia sẻ con chị bị bệnh tim bẩm sinh, sau một tuổi nhưng mãi bé vẫn không nói nên gia đình nghĩ bé chậm nói.
Bệnh nhi được cấy ốc tai điện tử.
Đến khi đi mổ tim, các bác sĩ nghi ngờ, kiểm tra mới phát hiện bé bị khiếm thính. Phải gần một năm sau gia đình mới đủ điều kiện để mổ cấy ốc tai cho bé, sau đó là cả một năm tập luyện, từ tập nghe đến tập hiểu. Gần ba tuổi thì bé mới nói chuyện được như một đứa trẻ bình thường.
BS Như cho biết trung bình mỗi năm BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 300-500 ca điếc sơ sinh. Tuy tỉ lệ trẻ mắc cao như vậy nhưng hiện nay việc tầm soát điếc sơ sinh còn rất nhiều hạn chế, ngay tại BV Nhi đồng 1 cũng chỉ mới tầm soát được ở những trẻ có nguy cơ cao.
Mặc dù đã có khuyến cáo đến các bệnh viện sản nhi nhưng do hạn chế về chuyên môn cũng như trang thiết bị nên việc tầm soát này gần như bị bỏ ngỏ, trong khi hiện nay đã có thể kiểm tra khả năng nghe của trẻ chỉ ba ngày sau sinh.
Các ca mổ trước đây, gia đình bệnh nhân phải chịu một phần chi phí mua máy. Với hai bộ cấy ốc tai bệnh viện vừa tiếp nhận sẽ được cấy miễn phí cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Do điều kiện trang thiết bị cũng như kinh tế, các trường hợp được can thiệp mổ gắn ốc tai được Phòng Công tác xã hội BV Nhi đồng 1 lựa chọn là những trẻ bị điếc sâu, không có khả năng nghe, kiểm tra khả năng phát triển tâm thần vận động cũng như chịu được thời gian mổ (khoảng hai tiếng).
Theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ trẻ bị điếc bẩm sinh chiếm khoảng 3/1.000. Như vậy, cứ 1.000 trẻ sinh ra có khoảng ba trẻ bị điếc bẩm sinh. Đây là một tỉ lệ khá lớn nhưng hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa thực hiện tầm soát một cách đồng bộ đối với trẻ sơ sinh.
Phân tích của các chuyên gia y tế cho thấy trẻ càng lớn việc can thiệp càng trở nên khó khăn bởi trong não có một vùng thần kinh điều khiển việc nghe-nói, nếu vùng đó không được kích thích trong 2-3 năm đầu đời sẽ bị thoái triển. Quá thời gian trên, dù có được kích thích âm thanh thì trẻ chỉ có thể nghe nhưng khả năng nói thì không phát triển.