Gửi thư đến báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều người dân bất bình về việc một số công viên ở TP.HCM đang bị các tổ chức, cá nhân thi nhau “xẻ thịt” để kinh doanh làm bãi giữ xe, quán ăn uống… Có nơi thì hàng rong thường xuyên tụ tập đông đúc gây mất mỹ quan chung.
Trong, ngoài đều bị lấn chiếm
Đến Công viên Lê Thị Riêng (phường 15, quận 10), PV ghi nhận nhiều hình ảnh lộn xộn tại đây. Hơn hai tuần nay có hơn 500 sinh viên (SV) của các trường như CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, ĐH Sư phạm TP.HCM, CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM, CĐ Tài nguyên và Môi trường TP.HCM… đến công viên này để học quân sự, học thể dục thể chất. Hoạt động này của đông đảo SV đã khiến không gian dành cho vui chơi giải trí, tập thể dục của người dân bị thu hẹp ngoài ý muốn. Cụ thể, đường nội bộ vòng quanh trong công viên - nơi dành cho người dân đi bộ tập thể dục - trở thành chỗ học quân sự hoặc điểm đùa giỡn, đá cầu… của các SV.
“Hầu hết những khu vực có bóng mát, ghế đá đều bị các SV chiếm giữ. Nhiều em thiếu ý thức đã chạy xe lạng lách với tốc độ cao ngay trong công viên và đụng phải người đi bộ gây xây xát. Có em cứ vô tư băng ngang qua khu vực dành cho những người trong câu lạc bộ bi sắt tập luyện. Bi đang ném vút lên cao mà các em cứ thản nhiên đi qua trông rất nguy hiểm…” - một người dân cho biết.
Vì số lượng SV quá đông nên bãi giữ xe cũng trở nên quá tải. Cạnh bãi giữ xe chính của công viên (nằm ở phía đường Trường Sơn) còn có một số bãi giữ xe nhỏ lẻ khác nằm ngay trên đường nội bộ của công viên, gây trở ngại cho việc đi lại của bà con. Ngoài ra, cả hành lang rộng lớn nằm phía trước cổng chính của công viên cũng trở thành bãi giữ xe và đa số SV đã vào đây gửi.
Đường nội bộ vòng quanh Công viên Lê Thị Riêng trở thành chỗ cho nhiều SV học quân sự, thể dục. Ảnh: T.NHÂN
Hàng rong dày đặc trước cổng chính của Công viên Lê Thị Riêng. Ảnh: T.NHÂN
Bên trong là vậy, còn bên ngoài công viên thì hàng rong đủ loại: quần áo, bóp, dây nịt cho đến bắp, xôi, bánh tráng trộn, bánh mì, cá viên chiên… rủ nhau tập trung đông đúc trước cổng công viên (nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám) khiến khu vực trở nên bát nháo. Dọc vỉa hè bên hông (nằm trên đường Trường Sơn) đã trở thành điểm kinh doanh cây cảnh; còn vỉa hè rộng khoảng 3 m ở phía cổng sau của công viên (đối diện với chung cư Lê Thị Riêng) thì bị nhiều người che mái và buôn bán nước giải khát từ sáng đến chiều tối trong suốt thời gian dài. Do lề đường bị lấn chiếm nên người đi bộ phải đi dưới lòng đường, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông...
Đi bộ sợ đạp kim tiêm!
Tương tự, tình trạng buôn bán hàng rong trước Công viên Gia Định (nằm giáp ranh giữa các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình) cũng khá phức tạp. Nhiều người đã đẩy xe đến đây và che dù trên lề đường để buôn bán suốt ngày. Ở góc công viên ngay giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm có rất nhiều cây cổ thụ tạo bóng mát và gần đó có khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi, thỉnh thoảng lại có con nghiện ma túy kéo đến, núp vào những gốc cây để hút chích. “Tôi thường ra công viên này để dạo bộ và có mấy lần bắt gặp con nghiện nằm dài dưới gốc cây do phê thuốc. Ghê lắm! Để đề phòng kim tiêm găm vào chân, tôi luôn mang giày mỗi khi đi ra đây ” - một người dân lo lắng.
Tại khu vực cầu vượt của Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Công viên 30-4 (quận 1)..., nhiều xe hàng rong vẫn hay ghé đến buôn bán. Để đối phó với chính quyền địa phương, họ đã dùng xe đạp hoặc xe máy chở các thùng xốp đựng đồ ăn, thức uống và đậu dưới lòng đường bán. Hễ thấy lực lượng tuần tra đến là họ liền chạy xe đi ngay…
THÀNH NHÂN
Mong bà con thông cảm Do Bộ Chỉ huy quân sự TP yêu cầu hỗ trợ nên chúng tôi đã đồng ý cho SV các trường CĐ, ĐH tới học quân sự. Việc làm này vì mục đích chung, phía công viên không thu tiền mặt bằng. Riêng đối với việc học giáo dục thể chất, công viên có thu phí vệ sinh và an ninh trật tự. Các khoản thu này đều có hóa đơn, chứng từ và được nộp vào ngân sách nhà nước. Về việc hàng rong lấn chiếm, công viên cũng thường xuyên cử lực lượng bảo vệ đến nhắc nhở. Vì không có chức năng xử phạt, công viên đã gửi văn bản đề nghị công an phường xử lý triệt để. Bà NGUYỄN THỊ HẠNH, Giám đốc Công viên Lê Thị Riêng Trong Công viên Hoàng Văn Thụ tuyệt đối không có hàng rong, chỉ có vài căn-tin hoạt động dưới sự giám sát của ban quản lý công viên. Do hàng rong tập trung chủ yếu trên vỉa hè bên ngoài công viên nên chúng tôi đã đề nghị công an phường xử lý. Đến nay, những hàng rong này cũng không còn nhiều như trước. Riêng việc cho SV học quân sự, chúng tôi thấy cũng hợp lý vì đó là công việc chung và mỗi năm cũng chỉ diễn ra khoảng 20 ngày. Tuy vậy, những than phiền của bà con do bị hạn chế không gian sinh hoạt chung là chính đáng. Trước mắt, khi chưa tìm được chỗ thay thế, chúng tôi mong bà con thông cảm cho việc này. Ông NGUYỄN ĐÌNH MINH, MINH HIẾU ghi |