Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội nghị Góp ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM vào ngày 21-8.
Đặt vấn đề thảo luận tại hội nghị, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết các đại biểu nên để ý đến quy định các trường phổ thông không dạy vào thứ Bảy.
Quang cảnh hội nghị. ẢNH: TT
Đề cập đến vấn đề trên, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, cho biết với mục đích giảm tải việc học cho các em vậy chúng ta có nên bố trí phải học ngày cuối tuần ở các trường phổ thông hay không.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hà, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, khẳng định: “Tôi nghĩ không nên để học sinh học vào ngày thứ Bảy”.
Theo bà Hà, bậc mầm non và bậc tiểu học đã nghỉ ngày thứ Bảy trong khi đó bậc THCS và THPT vẫn học. Bởi nhiều trường do kế hoạch học tập nhiều nên không dám nghỉ thứ Bảy. Thế nhưng sắp tới khi Luật Giáo dục được sửa đổi và áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết nghỉ nên để học sinh nghỉ vào ngày thứ Bảy.
“Hiện nay kinh tế phát triển, các dịch vụ khác cũng phát triển, chương trình cũng đã được tinh giản, nên nghỉ thứ Bảy để học sinh có thời gian vui chơi bên gia đình từ đó tạo điều kiện kích thích dịch vụ phát triển. Bên cạnh đó, có điều bất hợp lý đang xảy ra, trong khi các sở, ban ngành đều nghỉ thì trường lại làm việc. Nếu có chuyện gì đó xảy ra rất khó giải quyết. Mặt khác, việc nghỉ thứ Bảy là cơ hội để giáo viên sẽ có trọn một ngày làm công tác đảng, đoàn thể, sinh hoạt chuyên môn” - bà Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến chính sách đối với nhà giáo, bà Hà cho biết đang có sự bất hợp lý giữa cán bộ cấp sở, phòng và giáo viên cũng như vấn đề điều động giáo viên tốt về làm ở phòng, sở. Cụ thể, giáo viên có năng lực khi dạy ở trường được hưởng đầy đủ chính sách, đãi ngộ. Thế nhưng khi được điều động về các phòng, các sở bị thiệt thòi nhiều, kể cả phụ cấp thâm niên cũng không có. “Cho nên tôi đề nghị Luật Giáo dục sửa đổi lần này nên tính toán lại làm sao trong hệ thống pháp luật đồng bộ để tạo điều kiện những người tốt được hưởng chế độ đãi ngộ đầy đủ khi tham gia công tác quản lý” - bà Hà nói.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà Hà cũng cho biết không nên vì những chuyện gian lận thi cử diễn ra trong kỳ thi năm nay mà quyết định bỏ. “Kỳ thi THPT quốc gia là lần đánh giá nghiêm túc nhất. Tôi nghĩ nên duy trì nhưng cần phải có sự quản lý nghiêm túc, chặt chẽ tất cả các khâu”.
Đồng ý với ý kiến trên, PGS-TS Bùi Xuân Hải, Hiệu phó ĐH Luật TP.HCM, khẳng định: “Chúng ta nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia. Vì nó đạt được hai mục đích. Thứ nhất có thể xét tốt nghiệp THPT, thứ hai là cơ sở để các trường xét tuyển đại học. Cũng có những quan điểm phản biện cho rằng với tỉ lệ tốt nghiệp cao lên đến 99% thì kỳ thi phải chăng lãng phí. Nhưng theo tôi đã học phải thi”.
Theo ông Hải, nếu thi hiện nay với quy trình chung, đề thi chung, mọi thứ chuẩn chung thì rất dễ dàng trong quá trình đánh giá trình độ cao thấp học lực ở các địa bàn, khu vực. Bên cạnh đó, kỳ thi này còn tiết kiệm chi phí trong việc đi lại, tổ chức kỳ thi đại học như những năm trước.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nên giao cho các trường tự chủ trong việc tuyển sinh. “Tôi tin trong bối cảnh giáo dục của Việt Nam hiện nay, trả việc tổ chức thi tuyển cho các trường đại học, chưa chắc tình hình khá hơn. Mấy trăm trường đại học, trường nào cũng ra đề, tổ chức theo cách riêng có khi tiêu cực còn khủng khiếp hơn” - ông Hải nhấn mạnh,.