Quét bài làm ngay khi thí sinh nộp bài
Về việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia, theo đúng Luật Giáo dục hiện nay thì không thể bỏ được.
Khi giao việc chủ trì thi cho địa phương, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Ban đầu Bộ cũng xác định được có thể xảy ra vấn đề ở hai khâu, đó là coi thi và chấm thi. Do đó, Bộ đã tăng cường công tác coi thi, tăng cường giám thị ĐH về thanh tra.
Ở khâu chấm thi chúng ta đã làm rất tốt từ khi làm ba chung. Vì vậy, khi Bộ đưa ra ý kiến có nên tăng cường gì không thì các nơi cho rằng không, mọi thứ đã ổn định và khá tốt.
Trong kỳ thi năm tới, chúng ta nên tiếp tục phát huy điểm mạnh ở phần coi thi đã làm rất tốt. Vấn đề nằm ở phần chấm thi. Năm tới, chúng ta nên ngăn chặn tiêu cực bằng cách quét bài làm ngay sau khi thí sinh nộp bài và gửi bản gốc về Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, cần có ngân hàng đề thi đủ lớn để mỗi thí sinh có một bài thi riêng và về lâu dài là hướng tới cho thí sinh thi trên máy tính.
GS BÙI VĂN GA, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Để các trường THPT tự xét tốt nghiệp
Nếu thi THPT mà tỉ lệ đậu cao hơn 98% thì tôi nghĩ nên giao cho trường xét duyệt đỡ tốn chi phí. Còn việc tuyển sinh ĐH, đơn giản nhất thì cứ để ĐH có quyền tự chủ xét tuyển. Nếu có một bài thi chuẩn như ACT của Mỹ thì có thể tổ chức nhưng không bắt buộc và trường ĐH nào muốn dùng là quyền của họ.
Các trường THPT có thể xét duyệt tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH có quyền xét tuyển và con số đánh giá thực chất về chất lượng đào tạo của THPT là tỉ lệ vào ĐH-CĐ của trường THPT đó. Nếu các trường THPT chạy theo thành tích ảo với 100% tốt nghiệp nhưng chỉ có 20% vào được ĐH thì con số đó nói lên trường đang có vấn đề.
Thiết nghĩ với cách làm đó, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều thời gian tập trung vào những tiêu chuẩn học thuật cần thiết cho mỗi trình độ.
GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH, ĐH Utah Mỹ
Nên mạnh dạn bỏ kỳ thi THPT quốc gia
Tổ chức kỳ thi nhưng với hai mục đích khác nhau nên xảy ra nhiều bất cập là đương nhiên. Hơn nữa, việc tổ chức thi, coi thi và chấm thi đều giao về Sở GD&ĐT các địa phương sẽ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều bộ phận khác nhau. Sự việc gian lận ở Hà Giang giờ mới bị phát hiện nhưng có thể nó đã xảy ra từ năm học trước, chỉ có điều năm nay quá lộ liễu, trắng trợn, đại trà nên mới bị lộ.
Vì thế, nên mạnh dạn bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi học sinh kết thúc ba năm học cấp ba thì xét tốt nghiệp, cấp bằng, bởi hiện nay đất nước đã gần như phổ cập THPT.
Còn việc xét tuyển ĐH nên giao quyền tự chủ cho các trường. Họ tự làm, tự chịu trách nhiệm trước xã hội. Luật Giáo dục ĐH đã giao về các trường, sao Bộ GD&ĐT còn ôm vào!
Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Phó ban
Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Ủng hộ để TP.HCM tự xét tốt nghiệp THPT
Đề xuất để TP.HCM tổ chức xét tốt nghiệp THPT phù hợp với xu thế tự chủ của TP. Cả nước tiêu tốn cả ngàn tỉ đồng mà chỉ loại 2% học sinh rớt tốt nghiệp, có cần thiết không?
Khi Bộ GD&ĐT giao về cho các sở GD&ĐT tổ chức xét tốt nghiệp cũng đúng với chủ trương của Nhà nước là phổ cập giáo dục ở bậc THPT, nó làm giảm đi các kinh phí trong khâu tổ chức thi cử, giảm đi áp lực tâm lý cũng như tránh được gian lận thi cử như đã diễn ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Còn tuyển sinh ĐH-CĐ thì nên để các trường ĐH tự chủ, tự thực hiện các cuộc khảo sát năng lực để lựa chọn nguồn tuyển sinh theo nhu cầu của họ.
Tôi ủng hộ hoàn toàn đề xuất của TP. Thế nhưng để tránh tình trạng chạy theo bệnh thành tích thì Sở GD&ĐT cần đề ra khung giám sát, kiểm tra, có biện pháp giảm tình trạng cho điểm khống...
Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM