THẢO LUẬN SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Nhiều đề xuất về kiểm soát quyền lực

Ngày thứ hai thảo luận tại phiên họp toàn thể về sửa đổi Hiến pháp 1992, nghị trường đã xuất hiện nhiều ý kiến sâu sắc, được chuẩn bị kỹ lưỡng từ đánh giá nhu cầu sửa đổi Hiến pháp cho đến những quan điểm lớn trong lần sửa đổi này.

Kiểm toán và VKS chuyên trách độc lập

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, cho rằng mục đích chính của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cải cách thể chế, để có đột phá chiến lược cho đất nước. Ông phân tích: “Thử so sánh GDP của Việt Nam năm 2011, đạt mức 1.030 USD/người thì thấy các nước trong khu vực như Indonesia đạt 3.509 USD, Trung Quốc là 5.414 USD, Thái Lan 5.394 USD, Malaysia là 9.700 USD. Như vậy, 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, ta đạt nhiều thành tựu to lớn nhưng so với xung quanh ta vẫn ở mức rất thấp, nếu không muốn nói là tụt hậu. Chúng ta đạt mức thu nhập trung bình nhưng đang có rủi ro rất lớn không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Phần chính do thể chế của ta chưa phù hợp”.

Vậy cần sửa thể chế thế nào? ĐB Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, cho rằng dự thảo cần làm rõ hơn các cơ chế để kiểm soát quyền lực nhà nước - một điểm mới được đề ra từ Đại hội 11.

Phân tích thực tiễn hoạt động QH thời gian qua, ông cho rằng do không hoạt động thường xuyên, ĐB đa số là kiêm nhiệm nên công tác giám sát của QH chưa tương xứng với yêu cầu, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân. Khắc phục hạn chế này cũng là một giải pháp tăng cường kiểm soát quyền lực. “Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo các công cụ, thiết chế giúp QH thực hiện chức năng giám sát, thông qua hệ thống cơ quan chuyên trách độc lập, do QH lập ra, báo cáo công tác trước QH. Hai cơ quan ấy là Kiểm toán Nhà nước và VKS”.

Nhiều đề xuất về kiểm soát quyền lực ảnh 1

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Lập cơ quan bảo hiến

ĐB Trần Văn Độ, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương đề nghị: “Một là bỏ quy định CP là cơ quan “chấp hành” của QH, bởi dễ bị hiểu nhầm là cấp dưới của QH - như thế trái với nguyên tắc phân công, kiểm soát quyền lực”. Tiếp theo, cần trao cho QH những công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn, phải lập ra cơ quan bảo hiến với hai chức năng giải thích và tài phán bảo vệ Hiến pháp.

“Sáu năm liền Luật Đất đai và Luật Khiếu nại, tố cáo quy định mâu thuẫn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Rất nhiều tranh chấp đất đai tòa không giải quyết, dẫn tới căng thẳng, bức xúc trong nhân dân. Mãi năm 2011 sửa Luật Khiếu nại mới khắc phục được. Việc đó nếu có cơ quan bảo hiến thì chắc không để khiếu kiện đất đai nhiều như hiện nay” - ĐB Độ phân tích.

Ông Độ cũng cho rằng cần tách một bộ phận của VKS thành cơ quan trực thuộc QH, với các văn phòng địa phương, thực hiện chức năng kiểm sát việc ban hành văn bản và hoạt động để kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật. Ông nói: “Nhiều cử tri khi tiếp xúc với chúng tôi cho rằng nếu có một cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của QH trực thuộc QH thì có lẽ những vụ việc như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM cho rằng chế định Chủ tịch nước có thể tham gia vào cơ chế kiểm soát quyền lực với tính chất điều tiết, cân bằng và kiểm soát giữa các quyền. “Dự thảo nêu Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ văn bản của Thủ tướng, thành viên CP trái với lệnh, quyết định của mình. Tôi đề nghị mở rộng hơn, được quyền bãi bỏ cả văn bản trái với Hiến pháp và pháp luật”.

Trao quyền dân phúc quyết những lần sửa đổi Hiến pháp sắp tới

Nhiều đề xuất về kiểm soát quyền lực ảnh 2

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, thành viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, cũng đăng đàn phát biểu, tập trung vào một vấn đề trọng tâm của lần sửa đổi Hiến pháp lần này là làm sao dự thảo thể hiện được đầy đủ nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Ông nói: “Lịch sử lập hiến nước ta cũng là lịch sử của hơn 80 năm Đảng kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng một nền hiến pháp theo các ý tưởng dân quyền và pháp quyền do Hồ Chủ tịch đề xướng, mà cốt lõi là “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Từ cách tiếp cận ấy, Hiến pháp 1946 đã khẳng định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”.

Vì vậy, trong lần sửa Hiến pháp này, bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi QH quyết định ban hành, ông đề nghị cần đưa vào Hiến pháp mới điều khoản phúc quyết hiến pháp, để áp dụng cho các lần sửa đổi sau.

Ông nói: “Chỉ một động thái như vậy thôi, theo tôi, cũng sẽ là sự thể hiện cao nhất sự kính trọng của QH với nhân dân, với cử tri - những người bầu ra chúng ta và sẽ đem lại những hiệu quả to lớn, có thể góp phần chấn hưng đất nước. Sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước ở quyết định của nhân dân sẽ là động lực quan trọng để mỗi người dân thể hiện đầy đủ hơn và đúng đắn hơn trách nhiệm công dân của mình, là phát huy tốt nhất bài học mà Đảng đã đúc kết: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Hiến pháp do nhân dân làm ra, sửa đổi và biểu quyết thông qua, vì thế Hiến pháp là thiêng liêng, là tinh thần pháp quyền của đất nước như Hồ Chủ tịch đã tâm niệm. Như thế, Hiến pháp phải được bảo vệ đặc biệt; mọi vi phạm Hiến pháp đều phải được phát hiện và xử lý bằng cơ chế minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cơ chế bảo hiến hiện hành do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện, có nhiều hạn chế và chắc chắn sẽ là bất cập trong tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền tới đây. Điều này đã được Chính phủ chỉ ra trong báo cáo tổng kết Hiến pháp 1992. Vì thế, ông đồng tình với tờ trình của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp là cần quy định về Hội đồng Hiến pháp - một thiết chế hiến định do QH thành lập, hoạt động chuyên trách, độc lập, có nhiệm vụ giúp nhân dân và QH kiểm tra, kết luận và tự xử lý hoặc kiến nghị QH xử lý với những vi phạm Hiến pháp trong các văn bản pháp luật cũng như trong hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước.

NGHĨA NHÂN - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm