Nhiều địa phương muốn làm đường kết nối cao tốc, Bộ GTVT nói khó cân đối ngân sách

(PLO)- Bộ GTVT cho biết hiện có 134 kiến nghị của các địa phương đề nghị đầu tư dự án kết nối đường cao tốc, với tổng vốn ước tính khoảng 174.000 tỉ đồng nhưng việc cân đối ngân sách khó khả thi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về rà soát các dự án giao thông kết nối để phát huy hiệu quả đường bộ cao tốc, Bộ GTVT cho biết hiện đã nhận được 134 kiến nghị của địa phương về đầu tư các dự án kết nối cao tốc, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 174.543 tỉ đồng.

Trong đó, 53 kiến nghị của địa phương liên quan đến nút giao, với số tiền khoảng hơn 33.000 tỉ đồng (ngân sách Trung ương hơn 7.500 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 25.500 tỉ đồng); 81 kiến nghị liên quan đến tuyến kết nối, nhu cầu vốn khoảng hơn 141.500 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 32.334 tỉ đồng, ngân sách địa phương 109.180 tỉ đồng).

Theo Bộ GTVT, đối với các kiến nghị liên quan đến đầu tư nút giao, có 9/53 kiến nghị đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng. Các dự án còn lại địa phương kiến nghị bổ sung mới để đầu tư.

cao toc bac nam.jpg
Nhiều địa phương kiến nghị bổ sung dự án kết nối đường cao tốc. Ảnh: Đ.LAM

Với các tuyến kết nối, Bộ GTVT cho biết có 10/81 kiến nghị đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng.

Cụ thể là một dự án tuyến nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; ba tuyến nối cao tốc Mai Sơn - QL45; hai tuyến nối cao tốc QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa); hai tuyến nối cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh); một tuyến nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; một tuyến nối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Có 71/81 kiến nghị đầu tư mới hoặc mở rộng tuyến kết nối gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ; các tuyến đường tỉnh, đường huyện. Tuy nhiên, việc đầu tư các tuyến này chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT và các địa phương.

Như vậy, 71 dự án nêu trên cần bổ sung tiếp khoản tiền khoảng 124.960 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 31.734 tỉ đồng, ngân sách địa phương 93.226 tỉ đồng).

Theo Bộ GTVT, trong điều kiện hiện nay, việc cân đối ngay hơn 174.500 tỉ đồng ngân sách nhà nước để đầu tư hoàn thiện các nút giao, tuyến kết nối là khó khả thi.

Thêm vào đó, Chính phủ đang ưu tiên nguồn tiền để nâng cấp các đoạn cao tốc từ hai làn xe hạn chế lên bốn làn xe; đồng thời tập trung hoàn thành mục tiêu 5.000km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất phân loại đầu tư các nút giao, tuyến kết nối theo bốn nhóm sau:

Nhóm 1 gồm các nút giao, tuyến kết nối đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác.

Nhóm 2 gồm các nút giao, tuyến kết nối có nhu cầu cấp thiết, cần sớm bố trí vốn để đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025.

Nhóm 3 gồm các nút giao, tuyến kết nối cần ưu tiên bố trí vốn để đầu tư trong giai đoạn tiếp theo, trong đó được phân chia theo thẩm quyền đầu tư của Bộ GTVT và địa phương.

Nhóm 4 gồm các nút giao, tuyến kết nối trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác cần được nghiên cứu, thu xếp nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm