Nhiều điểm mới trong bán đấu giá tài sản tại TP.HCM

Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016 (có hiệu lực ngày 1-7-2017). Riêng riêng khoản 4 Điều 80 luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017.

Đây là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam kể từ khi hoạt động đấu giá được ra đời.

Đại diện Cục THADS TP.HCM và Sở Tư pháp TP.HCM chủ trì hội nghị. Ảnh: KP 

Theo điểm a, b và c khoản 1 Điều 43 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có quy định thẩm quyền bán tài sản công như sau:

 1. Thủ tướng Chính phủ quyết định bán trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỉ đồng trở lên theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương có liên quan và ý kiến của chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có tài sản bán.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bán trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 tỉ đồng theo đề nghị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và ý kiến của chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có tài sản bán. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong nguyên giá tài sản để xác định thẩm quyền quy định tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện theo quy định tại Chương XI nghị định này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản công không phải là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

4. HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Trường hợp phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản là trụ sở làm việc, HĐND cấp tỉnh phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.

Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất - Sở TN&MT có tham luận tại hội nghị về bán đấu giá quyền sử dụng đất tại TP.HCM.

Trung tâm này đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP trực thuộc Sở Tư pháp (là đơn vị bán đấu giá chuyên nghiệp của Nhà nước duy nhất trên địa bàn TP) thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất góp phần tăng nguồn thu ngân sách, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn TP.

Trung tâm này đã lập ký hợp đồng dịch vụ ĐGTS 20 khu đất (diện tích 13,97 ha), với giá khởi điểm 2.318,828 tỉ đồng, giá đấu giá thành 3.915,157 tỉ đồng. Trong đó, nhiều khu đất đấu giá thành có giá trị cao, 584 nền đất tại phường Cát Lái, quận 2 (giá khởi điểm 1.351,382 tỉ đồng, giá đấu giá thành 2.062,563 tỉ đồng).

Gần đây nhất là ngày 5-7-2018, tổ chức đấu giá thành 200 căn hộ tại phường Phú Mỹ, quận 7, với giá khởi điểm 166,713 tỉ đồng, giá trị đấu giá thành thu về cho ngân sách thành phố là 223,790 tỉ đồng.

Tại hội nghị, đại diện ngân hàng, các tổ chức bán ĐGTS, đại diện VKSND TP …đã phát biểu về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hoạt động bán đấu giá tài sản. Sở Tư pháp TP cũng gỡ vướng nhiều trường hợp khó khăn mà các đơn vị đã nêu.  

Phát biểu kết thúc hội nghị, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM chia sẻ về hoạt động bán ĐGTS trong thời gian qua đạt được kết quả nhất định, ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều cơ quan và cả những người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản đem bán đấu giá về định giá tài sản, về bán tài sản… Còn vướng về thể chế, về giá, về chi phí, thù lao, đăng báo…

Sở Tư pháp sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc tại hội nghị để có những nghiên cứu, giải thích, hướng dẫn (trong thẩm quyền) hoặc đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bà Thuận nhắn gửi đến các tổ chức bán đấu giá hãy vì thương hiệu của mình mà thực hiện đúng quy định pháp luật về đấu giá cũng như pháp luật có liên quan đến công tác đấu giá.

Bốn kiến nghị đề xuất của Sở Tư pháp

Từ thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn TP.HCM, Sở Tư pháp kiến nghị, đề xuất:

1. Đối với UBND TP

- Quan tâm, thường xuyên quán triệt các sở, ngành trên địa bàn TP, UBND quận, huyện thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về đấu giá tài sản trong việc lựa chọn, giám sát quá trình tổ chức đấu giá đối với tài sản của đơn vị mình và kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc đấu giá tài sản. Sớm ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP.

2. Đối với Bộ Tư pháp

- Kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Luật Đấu giá tài sản.

- Chỉ đạo các cơ quan thi hành án (THA), cơ quan liên quan khẩn trương phối hợp bàn giao dứt điểm tài sản THA đã đấu giá thành cho người trúng đấu giá theo thời hạn quy định, đặc biệt là những tài sản bị kiến nghị, khiếu nại kéo dài. Xây dựng trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.

3. Đối với Sở - ngành, quận - huyện

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động đấu giá tài sản đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn bằng nhiều hình thức cụ thể và hiệu quả hơn. Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức đấu giá tài sản và các cá nhân, tổ chức có liên quan để giải quyết và đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

4. Đối với tổ chức đấu giá tài sản:

- Nghiên cứu thực hiện đúng quy định pháp luật về đấu giá tài sản, thực hiện tốt công tác quản trị tại tổ chức mình. Thường xuyên cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên nhằm tạo được niềm tin và uy tín đối với khách hàng. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Cục THA dân sự và các cơ quan có liên quan trong các hoạt động về đấu giá tài sản.

Tổ chức bán đấu giá

Tính đến tháng 7-2018, trên địa bàn TP có 118 tổ chức đấu giá tài sản đăng ký danh sách đấu giá viên và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, bao gồm: 1 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và 117 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp đấu giá tài sản).

Từ ngày 1-7-2017 đến 30-6-2018, các tổ chức đấu giá tài sản đã ký 1.662 hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, tổ chức 1.991 cuộc đấu giá, trong đó có 1.683 cuộc đấu giá thành với tổng giá trị tài sản khởi điểm là 8.955.367.423.192 đồng, tổng giá trị tài sản bán được là 9.800.602.179.704 đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới