Nhiều giải pháp đột phá để Khánh Hòa thành cực tăng trưởng

(PLO)- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phải phát huy vị trí chiến lược, cơ chế đặc thù để trở thành cực tăng trưởng của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã giao các sở, ngành tham mưu để UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội tỉnh này theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Khánh Hòa cần đẩy mạnh liên kết vùng

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc tại tỉnh Khánh Hòa hồi đầu tháng 4-2023.

Khánh Hòa cần phát huy lợi thế vị trí chiến lược

Khánh Hòa cần phát huy lợi thế vị trí chiến lược. Ảnh: H.H

Theo kết luận của Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, Khánh Hòa vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là hạn chế trong liên kết vùng.

Vì vậy, Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết vùng thực chất, hiệu quả, có định hướng, tầm nhìn lâu dài, tương hỗ, cộng hưởng lẫn nhau.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, những địa phương trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính để phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, lợi thế và bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau.

Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa cần khẩn trương triển khai đồng bộ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm theo hướng kết nối, liên thông, đa mục tiêu, nhất là các dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới tỉnh Khánh Hòa phải phát triển đột phá, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước.

Thủ tướng lưu ý tỉnh Khánh Hòa cần phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hạ tầng tương đối đồng bộ với đầy đủ các phương thức vận tải và nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Bám sát cơ chế đặc thù để cất cánh

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay UBND tỉnh đã giao các sở, ngành tham mưu để xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng Chính phủ giao. Sau đó, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Tỉnh ủy để thực hiện triển khai kế hoạch.

Các cơ chế đặc thù sẽ giúp cho Khánh Hòa cất cánh

Các cơ chế đặc thù sẽ giúp cho Khánh Hòa cất cánh. Ảnh: H.H

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin các kế hoạch đều bám sát triển khai hiệu quả Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 42 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09, Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa.

Nghị quyết 55 Quốc hội với 11 cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong khu kinh tế Vân Phong, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

“Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Đây là “đũa thần” để Khánh Hòa cách cánh trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

Cùng với đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị xây dựng phương án kêu gọi, thu hút nhà đầu tư, xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện phù hợp với quy hoạch.

Đối với mời gọi đầu tư, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và các dự án du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ logictis…

Đối với khu kinh tế Vân Phong, UBND tỉnh giao Ban quản lý triển khai các quy hoạch phân khu, trong đó ưu tiên các phân khu quan trọng đã có nhà đầu tư chiến lược.

Đang thẩm định quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm

Theo kết luận, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tổng hợp, thẩm định hai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040; quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đối với việc đầu tư nâng cấp quốc lộ 26B, kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đến cảng Nam Vân Phong, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp và tỉnh Khánh Hòa bố trí ngân sách để đảm bảo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm