Trình Quốc hội dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ sự cần thiết đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, tính pháp lý của dự án tuyến đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-4, thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất nội dung tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Đoàn khảo sát đường nối liên vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Ảnh: QUANG VIÊN.
Đoàn khảo sát đường nối liên vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Ảnh: QUANG VIÊN.

Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng từ Yang Bay – Tà Gụ (Khánh Hòa) kết nối với quốc lộ 27C (đường Nha Trang- Đà Lạt), đường tỉnh ĐT.707 tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Tuyến giao thông này dài gần 57 km, có quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trước khi trình Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và cơ quan thẩm tra.

Trong đó, lưu ý làm rõ các vấn đề trọng tâm như làm rõ hơn sự cần thiết phải đầu tư dự án và đầu tư dự án toàn bộ bằng vốn đầu tư công. Làm rõ tính pháp lý của việc bố trí vốn ngân sách Trung ương cho hỗ trợ có mục tiêu của dự án và rà soát tổng mức đầu tư dự án, phương án thiết kế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Bổ sung tác động của tuyến đường đến đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: THANH XUÂN

Bổ sung tác động của tuyến đường đến đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: THANH XUÂN

Đồng thời bổ sung, làm rõ thêm tác động về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh và tác động đến đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng như sự cần thiết cho sự phát triển hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát hướng tuyến, các điều kiện khác, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng, chuyển mục đích rừng và có phương án trồng rừng thay thế để hạn chế ảnh hưởng hệ sinh thái môi trường.

Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch và đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân. Nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, hồ sơ trình Quốc hội phải có ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm