Vàng, đô phi mã; lạm phát tăng cao; đời sống nhân dân khó khăn… là những quan ngại được các đại biểu nêu ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-2 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2011.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng vượt ra ngoài mọi dự báo trước đó, đạt mốc hai con số là 11,75% (dự báo trước đó là 8%). Tốc độ tăng CPI tháng 1 năm nay (1,74%) cũng cao hơn so với các năm trước đó. Dự báo trong tháng 2, CPI cũng sẽ tiếp tục tăng ở mức cao.
Giá tăng, đi chợ cứ như bị “móc túi”
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, có nhiều ý kiến cho rằng con số lạm phát nêu trên còn thấp hơn so với thực tế. “Ở các nước trên thế giới, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát thường thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, còn chúng ta thì ngược lại. Ví như Trung Quốc tăng trưởng đến 10% nhưng lạm phát chỉ dừng lại ở mức 5%” - ông Kiên nêu một nghịch lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng băn khoăn: Con số tăng trưởng, thu chi thì mới chỉ là con số về lượng. Nếu chỉ nhìn vào những con số đó thì chúng ta dễ dàng thỏa mãn nhưng “chất” của nó như thế nào lại là vấn đề. Vì tăng trưởng của ta phần lớn nằm ở tăng trưởng đầu tư chứ không nằm nhiều ở hiệu quả sản xuất, kinh doanh. “Dân vẫn hỏi chúng tôi rằng thưa các đại biểu Quốc hội, năm nào Việt Nam cũng tăng trưởng rất cao nhưng đời sống người dân không tăng trưởng theo kịp tăng trưởng đó, xin các đại biểu trả lời?”.
Giá cả thị trường luôn thay đổi ảnh hưởng đến túi tiền các bà nội trợ khi đi chợ. Ảnh: HTD
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng việc lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, gây tâm lý lo lắng trong xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cũng chia sẻ, mấy ngày nay giá vàng, giá đô cứ “phi mã”, thậm chí tăng từng giờ. Rồi giá lương thực, thực phẩm cũng tăng khiến người dân khi đi chợ cứ có cảm giác như bị “móc túi”. Do đó, chúng ta cần sớm có giải pháp kiểm soát lạm phát để không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo.
Ra nghị quyết đối phó với lạm phát
Theo Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, để giải bài toán lạm phát, Thường trực Chính phủ đã vừa họp bàn và sắp tới sẽ đưa ra các giải pháp mạnh mẽ. “Chính phủ đang bàn để ra nghị quyết đối phó với lạm phát, siết chặt chi tiêu công và tiếp tục tiết kiệm 10% chi; không tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù trượt giá và nếu cuối năm chi không hết thì không được chuyển sang năm sau. Chính phủ cũng yêu cầu dừng xây dựng trụ sở, khởi công mới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ hơn, giữ chỉ tiêu tăng tín dụng dưới 20% so với đề xuất trước đây là tăng 23%” - ông Ninh nói.
Về những biến động trên thị trường ngoại hối, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng do chúng ta nhập siêu lớn và kéo dài nên cung cầu ngoại tệ mất cân đối. Với tình hình mất cân đối này, từ đầu năm nay chúng ta đã tiếp tục điều chỉnh tỉ giá. “Nghị quyết của Chính phủ tới đây sẽ đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong năm năm trở lại đây. Các nhà sản xuất khi nhận được thông điệp này sẽ phải điều chỉnh sản xuất, điều chỉnh nhập khẩu” - ông Giàu cho biết.
Tán thành với chủ trương của Chính phủ trong việc chuẩn bị đưa ra các giải pháp kiềm chế lạm phát nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần tính toán để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát hợp lý hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì đề nghị Chính phủ phải tính xem các giải pháp kiềm chế lạm phát đưa ra sẽ tác động đến đời sống kinh tế-xã hội như thế nào? “Chúng ta cắt giảm chi tiêu công, cắt giảm công trình thì liệu có xảy ra tình trạng một đất nước ngổn ngang những công trình dang dở không?” - ông Thuận nói.
Tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát Khi lạm phát tăng cao thì phải tập trung vào các giải pháp tiền tệ, tài khóa. Trong đó có hai giải pháp mà các nước trên thế giới áp dụng cùng lúc là tăng lãi suất và tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng biện pháp tăng dự trữ bắt buộc mà chỉ nâng lãi suất để thu hút tiền về ngân hàng nhanh lên. Khi lãi suất cao thì doanh nghiệp phải tính toán lại việc đi vay để sản xuất cho có lợi. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra giải pháp mạnh để giảm tổng cầu. Ông NGUYỄN VĂN GIÀU, Doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói là lãi suất cao thì các doanh nghiệp phải tính toán lại việc đi vay nhưng người ta không thể không đi vay để sản xuất thì sao? Lãi suất quá cao thì không thể làm ăn có lãi cao mà trả nợ, những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị tổn thương và nó có thể gây đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Bà LÊ THỊ THU BA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp |
THÀNH VĂN