Nhiều khó khăn bủa vây cao tốc Bến Lức - Long Thành

(PLO)- Theo chủ đầu tư, nhiều gói thầu phía tây của cao tốc Bến Lức - Long Thành phải dừng thi công vì thiếu vốn, các gói thầu phía đông cũng đang chậm tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đại diện Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: “Dự án còn gặp nhiều khó khăn, VEC cũng đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để tìm giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng”.

Nhiều gói thầu dừng thi công, chậm tiến độ

Về tiến độ của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC cho biết dự án chia thành 14 gói thầu chính, trong đó có 11 gói thầu xây lắp, hai gói thầu tư vấn giám sát và một gói thầu nhà trạm thu phí (chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu).

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang gặp một số khó khăn liên quan đến vốn đầu tư. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang gặp một số khó khăn liên quan đến vốn đầu tư. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Đến nay, tổng sản lượng thực hiện các gói thầu xây lắp đạt 78,96% tổng giá trị xây lắp của các gói thầu đã triển khai. Trong đó, sản lượng thi công các gói thầu phía tây đạt 81,66% và các nhà thầu đang dừng thi công do chưa được bố trí nguồn vốn. Các gói thầu A2-1, A3 đã cơ bản hoàn thành.

Các gói thầu sử dụng nguồn vốn JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), sản lượng thi công đạt 84,59%.

Ngoài ra, các gói thầu phía đông, sản lượng thi công đạt 52,83%. Hiện chỉ có nhà thầu A5 và A7 triển khai thi công trên công trường nhưng tiến độ bị chậm so với kế hoạch do khó khăn về tài chính.

Theo VEC, do vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ, từ tháng 1-2019 đến nay, các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công cho các phần vốn vay ODA. Điều này dẫn đến một số gói thầu dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành phải tạm dừng thi công. Chủ đầu tư cũng đối diện với tình trạng khiếu kiện và chấm dứt hợp đồng từ một số nhà thầu do thời gian dừng chờ quá lâu.

VEC cho biết đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông báo ý kiến của ADB về việc Hiệp định khung MFF của dự án sẽ đóng vào ngày 31-12-2023, không thể tiếp tục gia hạn. Đây sẽ là khó khăn rất lớn cho dự án trong thời gian tới. Nếu không được gia hạn Hiệp định vay ADB, VEC sẽ cần trình Chính phủ bố trí vốn, tự bố trí kinh phí để thực hiện các hạng mục công việc còn lại đối với đoạn tuyến ADB tài trợ sau ngày 31-12-2023.

VEC cho biết dự án đang gặp nhiều khó khăn và đơn vị cũng đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để tìm giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Chờ Thủ tướng cho phép sử dụng vốn ADB lần hai

Theo VEC, để xử lý vướng mắc nguồn vốn ODA, trong tháng 5 và đầu tháng 6, VEC đã tích cực làm việc với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội. Trên cơ sở đó hoàn thiện nội dung, thủ tục trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương chuyển vốn vay (về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ) thành cấp phát ngân sách nhà nước đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Về tình hình cao tốc Bến Lức - Long Thành, ngày 15-6, Bộ GTVT có tờ trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Theo đó, về nguồn vốn đối ứng, Bộ GTVT cũng cho biết do VEC chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên phải xử lý vướng mắc trong việc xác định cơ quan chủ trì được Thủ tướng giao vốn thực hiện dự án. Do đó, từ tháng 1-2019 đến nay, dự án chưa được bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước để tiếp tục chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng.

Để giải quyết vướng mắc trên, Bộ GTVT cho biết về vốn vay JICA cho các gói thầu đoạn giữa, trong tháng 7 tới, vướng mắc về vốn sẽ được giải quyết. Bộ GTVT là cơ quan tiếp nhận kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hằng năm đối với các dự án của VEC.

Về vốn đối ứng, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang sắp xếp, bố trí kế hoạch làm việc của lãnh đạo Chính phủ để chủ trì cuộc họp liên quan đến vấn đề này. Dự kiến nội dung xử lý vốn đối ứng cho dự án sẽ được giải quyết trong tháng 6 này.

Bộ GTVT cũng cho biết đối với vốn vay ADB, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư cho phép sử dụng vốn dư của Hiệp định vay ADB lần hai (do hiệp định lần một hết hiệu lực). Nguồn vốn này dùng để hoàn thành các gói thầu đoạn phía tây và thực hiện các hạng mục nhà trạm thu phí, tòa nhà trung tâm giám sát, văn phòng điều hành trạm thu phí của dự án.•

Dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2023

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 7-2014. Dự án chia làm ba phân đoạn, gồm phân đoạn giữa, phân đoạn phía tây và phía đông.

Một đoạn thuộc gói thầu J2 (đoạn giữa) của cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: CTV

Một đoạn thuộc gói thầu J2 (đoạn giữa) của cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Ảnh: CTV

Đoạn 1 (phía tây) dài 21,1 km; đoạn 2 (đoạn giữa, gồm các gói thầu J1, J2, J3) dài 10,7 km, có độ phức tạp rất cao về kỹ thuật; đoạn 3 (phía đông) dài 25,3 km.

Bộ GTVT và VEC đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thi công để hoàn thành công trình vào cuối năm 2023.

Đối với nội dung Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu đầu tư bổ sung nút giao quốc lộ 51 để chuẩn bị kết nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trước mắt kết nối vào sân bay Long Thành, sau khi nghiên cứu, VEC sẽ báo cáo Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để VEC có cơ sở huy động vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm