“Trong năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lấy 32 mẫu nước hồ bơi trên địa bàn TP.HCM kiểm định. Kết quả 14 mẫu (gần 44%) không đạt các chi tiêu pH, hàm lượng Pecmanganat, hàm lượng Amoni và có mùi vị lạ, ảnh hưởng đến sức khỏe người bơi”. Thông tin trên được TS-BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cung cấp cho Pháp Luật TP.HCM vào sáng 23-3.
Virus, vi khuẩn hiện diện trong nước hồ bơi
Nước trong hồ bơi luôn chứa những chất gây ô nhiễm được phát tán từ các nguồn trong môi trường tự nhiên và người bơi, đặc biệt là hồ bơi ngoài trời. “Các chất ô nhiễm phát tán từ môi trường tự nhiên bao gồm bụi bẩn, mảnh vụn, bào tử và vi bào phân tử trong nước mưa, vi trùng gây bệnh từ các loại chim. Nguồn ô nhiễm phát tán từ người bơi bao gồm các vi sinh vật cư trú trong cơ thể người nhiễm bệnh và các loại dịch tiết ra như mồ hôi, nước tiểu, nước bọt, phân. Ngoài ra, sự tương tác giữa chất khử trùng và các chất gây ô nhiễm nước hồ bơi có thể tạo ra một hỗn hợp của chloramines và có thể gây hại” - ông Nhân nói.
Hồ bơi luôn đông người trong những ngày nắng nóng. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Chất gây ô nhiễm dẫn đến bệnh tật là mối quan tâm lớn trong các hồ bơi. Các tác nhân gây bệnh y tế công cộng có thể có mặt trong nước hồ bơi như virus, vi khuẩn, động vật nguyên sinh và nấm. Tiêu chảy là bệnh thường gặp liên quan tới các chất gây ô nhiễm, gây bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh khác thường xảy ra khi bơi lội trong các hồ bơi kém chất lượng như viêm tai, phát ban da, đau mắt đỏ, viêm tai mũi họng…” - ông Nhân lưu ý.
Không bơi lội khi đau mắt đỏ
Theo ông Nhân, hiện đang trong mùa nắng nóng nên lượng người đến hồ bơi khá đông. Do vậy cần chú ý một số điều cần thiết.
Trước khi bơi nên dùng các món ăn nhẹ như rau, củ, quả. Không nên ăn các món nhiều chất béo, thức ăn nhanh. Chỉ bơi sau khi ăn khoảng một tiếng. Bơi trong khi quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động khiến việc tiêu hóa bị cản trở, dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn. “Tắm dưới vòi sen trước khi xuống hồ bơi để tẩy sạch bụi bặm. Khởi động các khớp và cơ để phòng ngừa hiện tượng “chuột rút”…” - ông Nhân khuyên.
Không nên ngâm trong nước hồ bơi quá lâu để tránh cảm lạnh. Trẻ em chỉ nên bơi 30-45 phút, người lớn 60-90 phút. Nếu có thể nên đeo kính bơi, nút tai. “Sau khi bơi xì mũi thật sạch. Nếu nước vô tai thì nghiêng đầu để nước ra khỏi tai, đồng thời làm sạch tai bằng que bông. Nhỏ Angynol 1%-2% vào hai lỗ mũi hoặc nhỏ vài giọt nước muối sinh lý Natriclorid vào mắt và mũi. Súc miệng và họng bằng nước muối. Tắm dưới vòi sen với xà phòng” - ông Nhân hướng dẫn.
Nhân viên kiểm tra độ pH của nước hồ bơi. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Người có bệnh đau mắt đỏ (kể cả mới phát bệnh và có một số biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ như mệt mỏi, sốt nhẹ, mắt nhiều ghèn, đau nhức…) tuyệt đối không bơi lội. Bên cạnh đó, người bệnh ngoài da, tiêu chảy và một số bệnh có nguy cơ lây nhiễm qua nguồn nước cũng không nên bước xuống hồ bơi” - ông Nhân nói.
Ban quản lý nên thường xuyên theo dõi chất lượng nước hồ bơi, đo đạc các chỉ tiêu clo dư, pH, độ đục… tại chỗ để kịp thời điều chỉnh chất lượng nước hồ bơi đạt tiêu chuẩn theo quy định. Định kỳ xét nghiệm nước hồ bơi theo quy định và trang bị đầy đủ xà phòng rửa tay cho người bơi. Tuyệt đối không cho người có biểu hiện bệnh ngoài da, bệnh tâm thần, say rượu, đau mắt đỏ… xuống hồ bơi. TS-BS LÊ VĂN NHÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. |