Tôi nhớ hồi đó, Bách khoa với Ngân hàng điểm cao chót vót. Hè về quê, lúc ra lại Hà Nội, tôi nghe bảo em ấy thi được mười mấy điểm. Ông bố đóng chặt cửa trong nhà, không ra ngoài. Mấy người hàng xóm bảo điểm đó thì vào Bách khoa với Ngân hàng...xin chân bảo vệ được.
Hôm rồi đi ăn phở lại nghe cô ngồi bên kể chuyện, con cô 5, 6 năm liên tục là học sinh giỏi nhưng nhà vẫn sợ trượt đại học. Nhớ lại chuyện rồi thấy cũng đúng đúng.
1. Tôi học trường huyện. Nếu tính là trường làng với trường thành phố thì tôi học trường làng.
Ngày đó, trường cấp 3 tôi học chỉ có hai loại giấy khen: học sinh tiên tiến với học sinh toàn diện. Thú thực 4 năm cấp 2 với 3 năm cấp 3, chưa bao giờ tôi được cầm cái giấy "học sinh toàn diện" nên cũng không biết nó như thế nào.
Muốn được học sinh toàn diện phải tổng kết các môn từ 8.0 trở lên. Trường tôi cả khối may ra có vài bạn, lớp 10 khóa tôi năm đó chỉ có A1, A2 được. Năm lớp 12 là nhiều nhất nhưng lớp tôi là lớp chuyên Anh của trường cũng chỉ 3, 4 bạn được.
Có lần bà cô tôi ở thành phố về chơi. Cầm tờ giấy khen "học sinh tiên tiến" tôi để trên bàn, cô lắc đầu bảo: Không được học sinh giỏi sau này sao thi đậu đại học. Cô động viên thôi cố gắng đậu tốt nghiệp cấp 3 rồi mai mốt nhờ bác tôi xin cho bán căn-tin trong quân đội.
2. Điểm thi thử đại học với kiểm tra chất lượng ở trường, bạn cao hơn điểm chúng tôi. Bạn bảo lớp 12 rồi, thầy cô cũng thả lỏng hơn để kiếm điểm cao cao có cái bằng tốt nghiệp đẹp đẹp. Rồi lớp 12, cả lớp bạn đi học lò thầy nên thầy cũng "nới tay" cho. Nghe bạn kể, bọn tôi thèm. Giá như thầy cô trường tôi cũng "tâm lý" như thầy cô trường bạn.
Học trò bằng đẹp, trường cũng nở mày nở mặt, cả hai đều vui. Có khó gì đâu. Nhưng thầy cô trường tôi khó tính lắm. Thi thử đại học, thi thử tốt nghiệp,... điểm rơi điểm rụng. Anh chị trước "kinh nghiệm": “Lấy điểm thi thử đại học trường, em cứ cộng thêm hai điểm là đúng điểm thi đại học (nếu học lực không bị sút)”. Kỳ thi đại học năm đó, tôi thi khối C được 22 điểm (chưa tính điểm cộng).
3. Cá nhân tôi có cảm giác giấy khen bây giờ không còn giá trị như ngày xưa nữa. Khi mà đi đâu cũng là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, giấy khen như lá rụng mùa thu. Lớp 40 em thì 30 em xuất sắc, 10 em giỏi. Lấy đâu ra học sinh giỏi nhiều thế?
Từ câu chuyện của bản thân và những người xung quanh tôi nhận ra rằng: Giá như nhà trường đừng vì thành tích mà "khai khống" năng lực học sinh.
Giá như thầy cô đừng vì trò học ở lò mình mà nương tay thêm điểm.
Giá như bố mẹ đừng có suốt ngày "con nhà người ta" để so sánh.
Thực ra, trừ một số trường hợp bị ảo tưởng thì các em đều biết rất rõ năng lực của mình. Trường học, thầy cô, bố mẹ có thể không biết nhưng các em biết rất rõ. Hơn ai hết các em biết rõ bài đó là mình làm hay chép của bạn, đem phao thi vào. Chỉ là thành tích ảo từ trường học, niềm tin của gia đình quá lớn khiến các em không dám đối diện sự thật mà thôi.
4. Cấp 3, tôi học khối D nhưng chỉ học tạm được môn văn, hai môn kia: Toán rất dốt, Anh dốt vừa vừa. Thi thoảng, nhận giấy khen tôi cũng thấy xấu hổ vì tôi biết có vài ý mình phải nhờ bạn. Thầy cô không biết. Tất nhiên bố mẹ cũng không biết. Nhưng tôi biết.
Đến gần cuối lớp 12, tôi mới xin nghỉ học thêm vài môn ở lớp mình để sang học sử, địa với lớp C. Mọi người bảo tôi khùng: Học gần xong mới chuyển ban. Nhưng tôi biết nếu học tiếp khối D chắc chắn tôi trượt đại học. Mà tôi thì rất thích đi học.
Giờ nghĩ lại, tôi chỉ biết gửi lời xin lỗi và cảm ơn thầy cô vì những năm tháng chỉ là học sinh tiên tiến thường.