Đó là quan điểm được ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đưa ra tại sự kiện Công ty CP Interloan ra mắt nền tảng công nghệ thực hiện dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending) vào chiều 31-7.
Cũng tại sự kiện này, Interloan còn ký kết hợp tác với ba ngân hàng thương mại gồm Sacombank, Nam Á bank và Vietcapital Bank cùng với bốn doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất-kinh doanh–dịch vụ là McDonald’s Việt Nam, Mắt Bão, Bảo hiểm Viễn Đông và Công ty Việt Money. Các đối tác cam kết chia sẻ các sản phẩm và giới thiệu dịch vụ của nhau để cùng khai thác thị trường tài chính tiêu dùng cá nhân.
Được biết, mục tiêu của Interloan trong việc mở rộng hợp tác với ngân hàng và doanh nghiệp là hướng tới hoàn thiện nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến công nghệ cao, hỗ trợ hệ thống hóa hoạt động tạm ứng tiền lương cho người lao động tại các doanh nghiệp, giảm thiểu áp lực về vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ người lao động có thêm kênh tiếp cận tài chính, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cấp bách, ngắn hạn.
Ông Trần Đại Dương, Giám đốc điều hành Interloan cho biết: "Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư với người vay, giới hạn trong nhóm người dùng của các doanh nghiệp đã được ký kết trước đó nhằm hạn chế rủi ro khi cho vay."
Trên sàn giao dịch này, người dùng có thể vay tối đa 70 triệu đồng với lãi suất 16,5 - 19%/năm. Các mức lãi suất này phụ thuộc vào điểm xếp hạng tín dụng của người vay trên Interloan. Nếu điểm tín dụng càng cao thì người vay được nhận mức lãi suất càng ưu đãi. Với mỗi giao dịch, người vay sẽ chịu mức phí giao dịch là 4,5%.
NHNN yêu cầu các TCTD tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ P2P Lending.
Trong đó, nhà đầu tư (tức người cho vay) được hưởng lãi suất từ 12% đến 15% sau khi trừ chi phí rủi ro có thể xảy ra. Ở hiện tại, các nhà đầu tư vẫn được hưởng nguyên mức lãi suất từ 16,5-19%/năm đối với mỗi khoản vay do doanh nghiệp chưa thu phí dịch vụ.
Điều này đặt ra câu hỏi cho các nhà đầu tư khi lựa chọn những sàn giao dịch P2P lending khác được giới thiệu là có mức lãi suất cao hơn. Khi đó, nhà đầu tư phải tìm hiểu xem những công ty P2P lending đó xem mức lãi suất mà họ công bố đã trừ chi phí rủi ro hay chi phí giao dịch hay chưa.
Ông Dũng nhận định Ngân hàng Nhà nước phải sớm quản lý và xử lý triệt để đối với những công ty cho vay ngang hàng trên thị trường hiện nay. Lý do là có những công ty cách thức hoạt động không khác gì giang hồ. Cho vay với lãi suất cắt cổ, khách hàng phải cung cấp toàn bộ danh bạ điện thoại.... Chỉ cần người vay trả tiền chậm một ngày là tất cả danh sách này sẽ bị “khủng bố” theo.
Trả lời thắc mắc về việc vì sao Interloan hoạt động như một sàn giao dịch nhưng lại cần hợp tác với các ngân hàng, đại diện công ty này cho biết: Các ngân hàng là đơn vị cung cấp dịch vụ không thể thiếu đối với các hoạt động P2P lending. Bởi P2P lending dựa trên nền tảng kết nối nên sàn kết nối không được động đến tiền của khách hàng và không xử lý giao dịch. Vậy khi sàn kết nối không làm thì ngân hàng sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ đó, việc hợp tác này là tất yếu để triển khai được dịch vụ.
Liên quan đến tình trạng pháp lý của công ty, ông Dương thông tin trong tháng 5 NHNN đã tổ chức một đoàn thanh tra để thực hiện khảo sát các hoạt động P2P lending tại TP.HCM. Dịp này, NHNN đã có buổi làm việc với Interloan để kiểm tra, đánh giá về tình hình hoạt động của công ty. Sau buổi làm việc, phía NHNN và Interloan vẫn thường xuyên liên kết và trao đổi thông tin với nhau để cùng xây dựng khung pháp lý cho P2P lending.