Khủng khiếp tín dụng đen kiểu mới: Lãi suất còn hơn trấn lột

LTS: Thời gian gần đây, trên mạng bùng nổ nhiều sản phẩm, dịch vụ cho vay kiểu mới, trong đó có cho vay ngang hàng (P2P Lending). Ngoài một số lợi ích, những hình thức vay và huy động tiền kiểu mới này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Khi đã trót dính vào vay ngang hàng trực tuyến siêu nhanh, khách hàng không chỉ chịu lãi suất cao và phí cắt cổ mà còn bị khủng bố tinh thần đủ kiểu. Mô hình vay trực tuyến, vay online đang dần bị biến tướng thành hình thức tín dụng đen cắt cổ kiểu mới trên mạng.

Vay siêu nhanh, lãi suất siêu cao

Vào Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”, “vay nhanh” sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các trang web cho vay tiền siêu nhanh như Credy, vaytieudung, doctordong, SHA, robocash.vn... Những cái tên này thường tạo sự thu hút của người lướt web bằng những lời đường mật hấp dẫn như vay tiền không cần thế chấp, vay tiền không cần gặp mặt; vay tiền mặt, 30 giây có tiền ngay. Thậm chí khách hàng không cần bước chân ra khỏi nhà, tiền vẫn chạy đến túi chỉ sau vài cú click chuột.

Để hấp dẫn hơn nữa, có trang web còn đưa ra đủ chiêu như cho vay với lãi suất 0%/năm trong 10 ngày đầu tiên, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%; thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận. Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ không dễ ăn như lời đường mật quảng cáo.

Chị Thảo Ly (nhà ở quận 2, TP.HCM) chia sẻ chỉ khi chính thức xác nhận vào thỏa thuận vay vốn, người vay mới biết lãi suất thực tế là bao nhiêu. Ví dụ, trên trang doctordong.vn dù công bố lãi suất cho vay chỉ 10,95%/năm nhưng nếu cộng thêm phí dịch vụ, phí tư vấn…, người vay phải trả lãi số tiền cao chót vót. Cụ thể khi đăng ký vay 10 triệu đồng với thời gian vay 20 ngày (từ ngày 1 đến 20-1-2019), tổng số tiền mà khách hàng phải thanh toán là 12.940.000 đồng.

Như vậy, với số tiền mà khách hàng phải trả sau 20 ngày vay là 2.940.000 đồng (gồm tiền lãi và các loại phí như phí tư vấn, phí hồ sơ, phí quản lý khoản vay…), tương đương với lãi vay lên đến 44,1%/tháng. Nếu quy đổi theo năm thì mức lãi vay lên tới 529,2%/năm.

Tương tự, trên trang web robocash.vn không công bố rõ lãi suất cho vay mà chỉ đưa ra thông tin “số tiền vay càng nhiều, phí và lãi suất càng ít”. Song khi đăng ký vay 10 triệu đồng, thời gian vay 30 ngày thì tổng số tiền mà khách hàng phải thanh toán lên tới 15.465.000 đồng.

Theo đó, nếu tính lãi suất cộng với phí dịch vụ, người vay đã phải gánh chịu chi phí vay vốn (có thể gọi là lãi suất cho vay) là 5.465.000 đồng, quy đổi theo mức lãi suất tương đương theo tháng là 54,65%/tháng và theo năm lên tới hơn 655%/năm.

Từ những dẫn chứng trên, chị Thảo Ly kết luận: “Đừng vội tin vào những lời mời gọi đầy mê hoặc trên mạng mà sập bẫy. Thực chất đây là một hình thức tín dụng đen núp bóng vay ngang hàng, vay online siêu nhanh, lãi suất cắt cổ”.

Tuy nhiên, mức lãi suất như chị Thảo Ly đề cập vẫn chưa phải là cao nhất được ghi nhận thông qua hình thức vay ngang hàng trực tuyến, vay online. Anh Trường Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM), khách hàng vay tiền trực tuyến thông qua app vĐồng, phản ánh: Trên app này quảng cáo lãi suất cho vay 19,71%/năm, hạn mức vay được phê duyệt là 1,3 triệu đồng nhưng đã bị trừ ngay 364.000 đồng và khách hàng chỉ thực nhận hơn 936.000 đồng.

Như vậy, tính ra lãi vay của vĐồng đối với số tiền 1,3 triệu đồng lên đến 26.000 đồng/ngày, tương đương 60%/tháng và khoảng 720%/năm. “Lãi suất quá kinh khủng, còn hơn là trấn lột, ăn cướp” - anh Sơn bức xúc.

Nhan nhản các quảng cáo vay siêu tốc, vay ngang hàng, vay trực tuyến, vay online… đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn. Ảnh: HTD

Truy đuổi đến tận cùng

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đánh giá tại Việt Nam, trong vài năm gần đây đã có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi của các mô hình cho vay trực tuyến online, vay ngang hàng. Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn).

Đối với người vay, mặc dù thủ tục vay khá đơn giản và thuận lợi nhưng sẽ phải vay với mức lãi suất rất cao. Nếu những người này không có khả năng trả nợ, họ có thể bị người cho vay dùng những biện pháp qua công ty môi giới để thu hồi nợ một cách không chính thống, mang tính ép buộc hay đe dọa.

Anh HT (quận Tân Bình, TP.HCM), một khách hàng, kể do cần tiền quá gấp nên anh vay nhanh chỉ 2 triệu đồng thông qua ứng dụng (app) trên vĐồng. Sau đó vì nhiều lý do cấp bách cần giải quyết trước, anh chỉ trễ hạn nộp lãi hai ngày nhưng bị đòi nợ ráo riết đến phát khùng.

“Họ gọi điện thoại đòi nợ với giọng điệu giống như mình giật tiền của họ vậy. Đáng nói là không hiểu sao nhân viên đòi nợ của họ biết cả số điện thoại của bố vợ rồi gọi để đòi nợ” - anh T. bức xúc.

Đáng nói là người vay thường không nhận đủ số tiền gốc của khoản vay do bị trừ đủ kiểu nhưng vẫn bị tính lãi đủ trên số tiền vay gốc. Một khách hàng tên T. cho biết vay 1,8 triệu đồng nhưng chỉ thực nhận 1,26 triệu đồng. Sau đó bị yêu cầu trả tiền lãi và gốc hơn 2,3 triệu đồng, gần gấp đôi số tiền vay. Đã vậy còn bị đòi nợ kiểu xã hội đen.

Nhưng không chỉ người vay bị đòi nợ kiểu khủng bố mà những người không vay cũng bị vạ lây. Chị Minh Thủy (quận 2, TP.HCM) kể: “Tôi thật quá đen đủi, ngay cả khi chưa từng một lần biết đến dịch vụ vay ngang hàng trực tuyến cũng trở thành con nợ. Số là một ông khách hàng nào đó vay tiền từ doctordong, tự nghĩ ra một số điện thoại để làm số tham chiếu và không may đó chính là số điện thoại của tôi. Sau khi bên vay nhận được tiền thì số điện thoại của người vay thực sự cũng “ngoài vùng phủ sóng”.

Từ đó trở đi, tôi trở thành con nợ thế thân của vị khách hàng này. Cứ 2-4 tuần, tôi lại bị nhân viên của doctordong gọi điện thoại đòi nợ. Dù tôi liên tục nói rằng tôi không vay và cũng không biết người vay là ai nhưng nhân viên của doctordong cố tình không tin và cho rằng tôi là đồng phạm”.

Xuất hiện hàng loạt công ty cho vay ngang hàng, trực tuyến

Theo Ngân hàng Nhà nước, bản chất của vay ngang hàng (P2P Lending), vay online là mô hình kinh doanh mới. Dịch vụ này sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, Công ty P2P Lending cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến để người đi vay kết nối, trực tiếp vay mượn với người cho vay.

Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay mua nhà, ô tô; tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp...

Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng) nên mô hình này xuất hiện cách đây khoảng hai năm và có khoảng 40 công ty đang hoạt động theo dạng thức nêu trên.

Khủng khiếp tín dụng đen kiểu mới: Lãi suất còn hơn trấn lột ảnh 2
Mô hình cho vay trực tuyến online, vay ngang hàng đang phát triển nhanh chóng, rộng rãi. Ảnh: HTD

Lãi suất phi kinh tế

Theo một số chuyên gia, hiện nay có nhiều doanh nghiệp lách thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay ngang hàng lên tới trên 720%/năm. Còn xét về lãi suất, các bên sẽ thỏa thuận làm sao cho dưới 20%/năm để không vi phạm Bộ luật Dân sự năm 2015.

Mức lãi suất của hoạt động vay trực tuyến cao như trên là lãi suất phi kinh tế và trái với quy định của pháp luật. Đây chỉ là hình thức tài chính biến tướng và cho vay lãi nặng, thậm chí có người còn gọi là trấn lột lãi suất.

Còn theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nhiều dịch vụ cho vay trực tuyến đang tìm cách thu thập mọi thông tin cá nhân của người dùng, dù họ có tham gia ký kết hợp đồng hay không. “Do đó, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người vay cần tìm hiểu và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè” - cơ quan này khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm