TỪ VỤ CA SĨ HỒ NGỌC HÀ KHIẾU NẠI BÁO PHÁP LUẬT VÀ CUỘC SỐNG:

Nhiều nghệ sĩ cay đắng vì bị xâm phạm đời tư

Thời gian gần đây, có một số bài viết trên các báo về cuộc sống riêng tư của các văn nghệ sĩ đã bị khiếu nại. Mới đây, trong tháng 5, ca sĩ Thái Thùy Linh khiếu nại một tạp chí vì đã đưa đời tư của cô lên báo mà không xin phép. Thông tin ca sĩ này sinh con nhưng chưa làm đám cưới và hình ảnh của hai mẹ con được đưa lên báo minh họa cho bài viết về việc có nhiều ca sĩ đã tạo scandal như để nhanh nổi tiếng.

Hoặc cách đây chưa lâu, ca sĩ Tim lên báo tâm sự rằng mình từng “vượt rào” với ca sĩ H. vào năm cô ca sĩ này 17 tuổi. Ca sĩ H. bức xúc lên tiếng phản đối tờ báo này đăng thông tin đời tư làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hiện tại của mình.

Cách đây vài năm, diễn viên Lê Vân viết tự truyện, trong đó kể lại mối tình “vụng trộm” của mình với nghệ sĩ X. Tuy không nói rõ tên của nghệ sĩ trên nhưng khi đọc truyện thì người trong giới nghệ thuật có thể biết được đó là ai. Vì vậy, một người thân của ông X. đã lên tiếng trên báo, phản hồi rất dữ dội.

Tương tự, diễn viên TTH cũng từng bị một số báo mạng nêu rõ là cặp kè với Cường đôla và được tặng hẳn một chiếc xe hơi rất sang.

Một số bài viết bị cho là xâm phạm đời tư.

Nhiều trường hợp bị công khai thông tin về bí mật đời tư nhưng ít khi lên tiếng vì không muốn nói qua lại và bới thêm, hoặc cũng chưa biết mình có quyền được pháp luật bảo vệ bí mật đời tư và pháp luật bảo vệ quyền bí mật đời tư đến đâu.

Trên số báo ra ngày 6-6, Pháp Luật TP.HCM có bài viết về vụ ca sĩ Hồ Ngọc Hà khiếu nại báo Pháp Luật và Cuộc Sống vì đã thông tin sai sự thật và xâm phạm bí mật đời tư. Sau khi báo ra, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Thế nào là bí mật đời tư? Bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ đến đâu? Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

Luật sư HOÀNG VĂN TRỢ, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai:

Đời tư hợp pháp mới được bảo vệ

Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền bí mật đời tư của cá nhân. Tuy nhiên, luật không giải thích rõ thế nào là bí mật đời tư,do đó khái niệm này mang ý nghĩa tương đối.

Thông tin về đời tư có thể liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, hoặc những quan hệ xã hội khác trong quá khứ và hiện tại và được pháp luật bảo vệ. Nghĩa là những thông tin về đời tư phải hợp pháp mới được pháp luật bảo vệ. Ví dụ, một người chung sống như vợ chồng với một người khác đang có vợ có chồng thì không thể được pháp luật bảo vệ vì tuy là bí mật đời tư nhưng không hợp pháp nên sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Bí mật đời tư có thể là sự kiện coi là bí mật với người này nhưng lại không coi là bí mật với người khác nên họ có quyền công bố hoặc giữ bí mật. Việc họ có coi là bí mật hay không thì đều được pháp luật bảo vệ. Do đó, câu chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con của hai người thì khi thông tin phải được sự đồng ý của cả hai người. Nếu chỉ một người đồng ý cho thông tin, một người không đồng ý nhưng cứ công bố, cứ thông tin thì cũng bị coi là xâm phạm bí mật đời tư.

Bí mật đời tư còn được xem xét ở một khía cạnh khác là đối với người nổi tiếng (nghệ sĩ, chính khách, chính trị gia, doanh nhân, chuyên gia, luật sư… là những người có tầm ảnh hưởng và nhiều người biết đến), nhà báo được quyền thông tin nhưng việc thu thập và công bố thông tin phải xin phép. Nếu vi phạm thì phải bồi thường thiệt hại, thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vụ diễn viên L. bị phát tán clip sex trên mạng, về hình sự thì người công bố, phát tán đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Về dân sự, diễn viên này hoàn toàn có thể kiện những người phát tán, đòi bồi thường thiệt hại vì đã xâm phạm bí mật đời tư của mình.

Luật sưNGUYỄN VĂN HẬU,Đoàn Luật sư TP.HCM:

Bí mật đời tư là bí mật đời sống riêng tư

Cách đây chưa lâu, TAND quận 3 từng xét xử vụ kiện tương tự về một bài báo đưa thông tin về việc ly hôn của một cá nhân. Do luật không quy định cụ thể, bản án này tạm coi như một “án lệ”. Tuy nhiên, nó cũng chưa đầy đủ, bao quát cho tất cả trường hợp xâm phạm bí mật đời tư.

Theo bản án này: Hiện nay do chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ quyền bí mật đời tư là gì mà chỉ có một số quyền cá nhân cụ thể được pháp luật quy định phải tôn trọng, không được tiết lộ như: quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31 Bộ luật Dân sự); bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư của người bệnh (Điều 25 Luật Bảo vệ sức khỏe); giữ bí mật của di chúc (Thông tư 1411/1996/T.T.CC); bí mật thư từ, điện thoại (Điều 38 Bộ luật Dân sự)…

Do đó, TAND quận 3 đã căn cứ Điều 38 Bộ luật Dân sự “tạm đưa ra một định nghĩa về bí mật đời tư trên cơ sở có xem xét đối chiếu với phong tục tập quán trong nhân dân” đã định nghĩa “Bí mật đời tư là bí mật của đời sống riêng tư”. Tòa xác định việc công bố, tiết lộ những thông tin thuộc bí mật riêng tư của cá nhân trong phiên tòa xử ly hôn, họ không muốn để lộ ra cho người ngoài phiên tòa biết.

Bản án đã buộc tác giả và tờ báo phải đăng lời xin lỗi công khai vì đã có nhiều chi tiết làm lộ bí mật đời tư của ông X. và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ông. Đồng thời, tác giả và tờ báo phải bồi thường tiền cho ông. Tuy nhiên, những diễn biến sau đó trong giới pháp luật vẫn xảy ra nhiều tranh cãi về quyền này.

THANH HẢIghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới