Nhiều hộ nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông nợ nần, trắng tay vì cá chết hàng loạt. họ cho rằng các nhà máy đang giết chết dòng sông.
Anh Dương Thành Tuấn, tổ trưởng tổ liên kết nuôi cá xã Long Thành Nam (huyện Hòa Thành, Tây Ninh) và là điển hình nông dân sản xuất giỏi của tỉnh nói như mếu: “Cá giống ươm để bán cho bà con trong tổ đã chết sạch. Tôi mất gần bảy tấn cá thác lác và cá lóc bông... và mấy trăm triệu đồng vay nợ đã mất hết rồi”.
Cá chết như ngả rạ
Theo anh Tuấn, hai tháng nay cá trong các bè của anh và các hộ trong tổ nuôi cá bỗng chết như ngả rạ, trong mang cá chết đầy mủ. Anh em lặn xuống vớt cá cũng bị ngứa ngáy, đổ bệnh, hôm đó nước sông rất hôi thối.
Chị Dương Thị Tuyết, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh năm 2013 cũng “chết chùm” cùng một đợt với anh Tuấn. Chị nói: “Tôi nuôi cá nàng hai, giá bán trên 70.000 đồng/kg. Vậy mà bữa đó tui bị chết hơn bốn tấn cá, thương lái cũng chẳng thèm mua nên phải xay loại cá đặc sản này làm thức ăn cho cá tra. Cá chết, tôi mang nợ tiền tỉ…”.
Anh Dương Thành Tuấn đang vớt cá chết trong bè. Ảnh: HM
Từ huyện Hòa Thành xuôi xuống huyện Gò Dầu, hàng chục bè cá của ngư dân trên sông Vàm Cỏ Đông đều chịu chung thảm cảnh. Ông Trần Văn Câu (xã Cẩm Giang, Gò Dầu) nói: “Mấy năm trước cá cũng chết lai rai, tùy đợt nước. Nhưng chưa năm nào chết dữ như năm nay. Tôi mất ba tấn cá thác lác, trắng tay… ”.
Ông Hồng Thanh Quang (Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Nam) cho biết: Từ khi mấy nhà máy mì, cao su mọc lên dọc sông thì nước sông mới ô nhiễm. Hôm rồi chúng tôi đi khảo sát thấy nước rất hôi. Các hộ nuôi cá lấy nước từ sông phát hiện việc này liền khóa kênh, cá trong ao không chết còn cá bè chết sạch. Đề nghị ngành chức năng ngăn chặn, buộc cơ sở nào gây ô nhiễm cho sông Vàm Cỏ bồi thường cho dân.
Lãnh đạo xã Long Thành Nam lo lắng: Sông Vàm Cỏ ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của bà con mà ảnh hưởng rất lâu dài đến môi trường.
Sông ô nhiễm
người dân đã báo ngay tình trạng cá chết hàng loạt bất thường cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Sở TN&MT tỉnh đã kiểm tra và đầu tháng 6-2014, Sở TN&MT kết luận: Cá bè nuôi của người dân bị chết là do lượng oxy hòa tan trong nước thấp vì lục bình phát triển mạnh. Cạnh đó, thời tiết diễn biến thất thường lúc giao mùa, vị trí nuôi cá bè là khu vực đông dân cư nên rác thải, nước sinh hoạt xả trực tiếp xuống lòng sông làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước.
Người dân không đồng tình với kết luận trên. Ông Dương Văn Sáu (ấp Bến Kéo) nói: “Tui làm cá 40 năm nay nên biết rõ, cá nổi đầu lóp ngóp là lúc đó sông bị ô nhiễm. Chỉ có nguyên nhân đó thôi”. Anh Dương Thành Tuấn nói: “Tui cũng nuôi cá hơn chục năm và năm nào cũng có lục bình, nước thải sinh hoạt của người dân nhưng không làm cá chết hàng loạt. Cá sông cũng chết, cá bè cũng chết, có lẽ sông Vàm Cỏ tuyệt chủng thủy sản luôn”.
Trong cuộc gặp gỡ mới đây của các ngành chức năng với các hộ dân, ông Ngô Đức Hà (Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường) giải thích: “Cá chết không phải dịch bệnh. Chúng tôi nhìn nhận nước sông Vàm Cỏ đã bị ô nhiễm. Những năm qua, sông tiếp nhận nhiều nguồn nước thải từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Riêng đối với công nghiệp, hơn một nửa số nhà máy xử lý nước thải chưa đạt loại A. Sau tháng 6-2014, nhà máy nào nước thải không đạt loại A sẽ bị đình chỉ hoạt động” - ông Hà nói.
“Bỏ nghề nuôi cá bè chúng tôi không biết làm gì để sống nên mong các ngành chức năng xử lý hết ô nhiễm để bà con yên tâm làm ăn, trả nợ” - một hộ dân nuôi cá bè nói.
NGUYỄN HOÀNG