Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phối hợp Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến quốc tế về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam. Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động (NLĐ), bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, với mục tiêu cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Đồng thời phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại…
Các chuyên gia nước ngoài tham vấn chính sách cho Việt Nam. Ảnh: H.THƯ |
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Nghị quyết số 28 có rất nhiều nội dung tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước quốc tế và khuyến nghị của ILO. Vì thế, việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH tại Nghị quyết số 28 cần được triển khai thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật có liên quan theo lộ trình phù hợp.
“Do đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), BHXH Việt Nam nhận thấy một số nội dung cần được làm rõ và điều chỉnh và rất cần những ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế có chuyên môn và am hiểu về bản chất của hệ thống an sinh xã hội trên toàn cầu”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Ông Robert J.Palacios - Chuyên gia trưởng lĩnh vực an sinh xã hội khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, cho biết việc sửa đổi Luật BHXH có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam là quốc gia Châu Á đang già hoá dân số nhanh nhất, nhanh hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc nên vấn đề bao phủ BHXH cũng như sửa đổi, bổ sung Luật BHXH cần phải được triển khai. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm tăng tỉ lệ người dân tham gia vào hệ thống BHXH.
Về vấn đề mở rộng diện bao phủ BHXH và thực trạng tại Việt Nam, ông Christophe Lemiere - Quản lý Chương trình Phát triển Con người tại Việt Nam cho rằng tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm). Việt Nam cũng là một trong những ít quốc gia cho phép NLĐ rút BHXH một lần, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho lượng lớn người dân là người cao tuổi không tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Vì vậy, ông Christophe Lemiere, cho rằng nếu Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc đến tất cả NLĐ làm công (khu vực công, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh) thì số người tham gia vào hệ thống BHXH tại Việt Nam sẽ tăng theo.
“Để chính sách BHXH phát triển bền vững, Chính phủ cần tăng diện tham gia BHXH bắt buộc, hạn chế số người rút BHXH một lần, hỗ trợ 30-50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm người nghèo thì mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2030”- ông Christophe Lemiere nhấn mạnh.
Liên quan đến thời gian hưởng lương hưu của Việt Nam quá dài, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28.
“Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này, sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ…”- Bộ LĐ-TB&XH thông tin.
Cần hướng tới hưu trí đa tầng
Một chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam, cho biết việc rút thời gian tham gia BHXH của NLĐ xuống còn 10-15 năm nhưng tuổi hưu vẫn ở mức 60 đối với nữ và 62 đối với nam thì không khả thi.
“Tôi ví dụ, một nữ lao động mất việc ở tuổi 45 và có 15 năm đóng BHXH, nếu muốn nhận lương hưu họ phải chờ 15 năm nữa, tức phải đủ 60 tuổi. Trong khi người lao động rất cần tiền thì liệu họ có ở lại với quỹ để chờ mức lương hưu thấp không. Giải pháp này của Bộ LĐ-TB&XH có hạn chế được người lao động rút BHXH một lần không? Tôi cho là không” – vị chuyên gia này cho hay.
Để giải quyết bài toán trên, vị chuyên gia cho rằng Bộ LĐ-TB&XH nên tiếp cận vấn đề theo Nghị quyết 28, hướng tới hưu trí đa tầng, bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung. Trong đó, Bộ phải nghiên cứu tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung để làm sao khi về hưu, NLĐ có mức lương hưu đảm bảo mức sống tối thiểu.