Nghiên cứu này được đưa ra lấy ý kiến lần thứ ba tại Hà Nội vào chiều 27-10 sau hai lần tại TP.HCM và Nghệ An trước đó.
Theo nhóm nghiên cứu, vừa qua hàng loạt các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản phạt báo chí. Đơn cử, TAND Tối cao khi xây dựng Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã đề ra quy định phạt hành vi ghi âm, ghi hình không đúng quy định của tòa. “Quy định này (nếu được thông qua) sẽ đụng với khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51/2002 (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí). Cụ thể, nghị định này quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật” - nhóm nghiên cứu dẫn chứng.
Về kiến nghị cần chế tài các cơ quan nhà nước không trả lời báo chí, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng nên để cơ quan độc lập xử phạt các cơ quan nhà nước né báo chí. Bên cạnh đó, ông Toàn cũng lưu ý hiện nay báo chí chưa coi trọng trách nhiệm chuyển tải ý kiến công dân nên chưa quyết liệt đến cùng vụ việc, chưa nắm rõ quyền năng của mình để yêu cầu các cơ quan chức năng phải trả lời. Phía người dân chưa nắm rõ quyền được bày tỏ ý kiến của mình trên báo chí. Vì vậy, báo chí cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân.
T.HẰNG