Ban biên tập tờ báo nhận lỗi
Đây là mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất được áp dụng đối với một tờ báo kể từ trước tới nay.
“Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về báo chí. Tờ báo đã đăng thông tin sai sự thật, xúc phạm phụ nữ miền Tây, gây bất bình trong dư luận xã hội và đặc biệt là gây mất đoàn kết dân tộc” - một cán bộ của Thanh tra Bộ TT&TT cho hay.
Ảnh chụp bài viết gây bức xúc dư luận đăng trên Trí Thức Trẻ. Nguồn: Website Bộ Thông tin Truyền thông
Quyết định của Thanh tra Bộ thể hiện trong việc cho đăng tải bài báo nêu trên, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có ba hành vi vi phạm: Không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả bài báo; đăng ảnh của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người đó và đăng thông tin gây mất đoàn kết dân tộc. Riêng hành vi thứ ba, căn cứ vào điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 159/2013, tờ báo này bị phạt 200 triệu đồng, mức phạt tiền cao nhất theo quy định đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí - xuất bản.
“Đây là cảnh báo dành cho những tờ báo dùng mọi cách để câu “view”, xem thường độc giả. Có những vụ việc như thế này là điều không thể chấp nhận được. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT sẽ tiến hành rà soát toàn bộ, để xem xét mức độ vi phạm của các tờ báo” - vị này nhấn mạnh.
Cũng theo cán bộ này, trong cuộc làm việc với Thanh tra Bộ sáng 15-8, Ban Biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ đã nhận lỗi trong việc cho đăng tải bài báo “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ”, thừa nhận đã làm ảnh hưởng đến uy tín của báo chí nói chung và cơ quan chủ quản nói riêng. Lãnh đạo tờ báo cũng nêu một số lý do khách quan dẫn đến sự việc trên, như tổng biên tập đang mắc bệnh hiểm nghèo, trưởng ban đã không tuân thủ đúng quy trình xuất bản…
Không phải là trường hợp đơn lẻ
PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền, rất đồng tình với quyết định xử phạt của Bộ TT&TT.
Bà Hằng bày tỏ: “Cảm giác của tôi khi đọc bài báo đó là choáng, cả người viết cũng như người quản lý cơ quan báo chí đó đã không quan tâm đến quyền con người tối thiểu. Thế nên họ không biết đã chà đạp đến những phụ nữ ở vùng đất được nhắc đến như thế nào”.
Bà Hằng cũng cho biết từ trước đến nay những bài viết như thế không ít, tuy nhiên đối tượng chịu tác động thường chỉ là một hoặc hai người nên ít khi bị để ý, còn trong trường hợp kể trên thì đối tượng tác động là phụ nữ của cả một vùng đất nên mới tạo ra dư luận phản ứng lớn đến như vậy.
“Những bài báo kiểu này cho thấy giá trị của người phụ nữ không được họ coi trọng, đồng thời cũng làm cho báo chí đánh mất đi tính nhân văn vốn có” - PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng đánh giá.
Cũng theo bà Hằng, sự ra đời và tồn tại của những bài báo, những tác giả như thế chính là do pháp luật chưa đề cập kỹ đến những đối tượng bị ảnh hưởng, rồi sự phát triển mạnh mẽ của các báo mạng. Thêm nữa văn hóa bảo vệ quyền con người của chúng ta có lúc cũng chưa được đề cao, ví dụ như cái gì động đến tôi thì tôi phản ứng, còn không thì thôi.
Sự phát triển của những cơ quan báo chí như thế dẫn đến việc sử dụng nguồn nhân lực cũng không được kiểm soát. Đội ngũ cộng tác viên không được sát hạch, có người không được đào tạo về các nguyên tắc của báo chí.
“Cách thức ra đời của những bài viết dạng như thế thường lấy ý tưởng từ cuộc sống hoặc họ dựng lên một câu chuyện do họ tự tưởng tượng ra rồi dựng thành bài với mục đích chỉ để câu “view” mà thôi” - PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng lý giải.
THU NGUYỆT - V.THỊNH