Bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo

Làm thế nào để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo trước thực trạng cơ chế pháp lý bảo hộ quyền này còn chưa hoàn thiện, nếu không nói là có nhiều rào cản?... Đây là nội dung chính của Hội thảo khung pháp lý bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí do Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC), Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức tại Hà Nội vào chiều 27-2.

“Mở cửa” với báo chí: Ai được lợi?

Theo công bố của MEC, kết quả khảo sát 279 nhà báo ở 19 tỉnh, TP vào năm 2013, cho thấy 75% cơ quan nhà nước né tránh hoặc phản hồi báo chí không đúng thời hạn luật định. Trong số 25% nhận được trả lời đúng thời hạn cũng chỉ có thông tin vỏ, thiếu nội dung cụ thể.

Tại hội thảo, chính các cơ quan quản lý nhà nước, nơi cung cấp thông tin chính thống, cũng nhìn nhận: Một trong những hành vi cản trở nhẹ nhất và nhiều nhất đối với hoạt động tác nghiệp của nhà báo là không cung cấp thông tin, tránh né báo chí.

Các nhà báo đang tác nghiệp tại một phiên tòa. Ảnh: HTD

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn chia sẻ: Thông tin là nhu cầu của xã hội, cũng là nhu cầu của báo chí. Khi không được cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin một cách chính xác, báo chí sẽ tìm đến những nguồn thông tin khác gần với thông tin chính. Từ đó dẫn đến thông tin trên báo chí có thể bị sai lệch, công chúng chỉ được tiếp cận với thông tin kém chất lượng và điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan quản lý, gây lệch lạc trong dư luận… “Vì thế việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác là nghĩa vụ, quyền lợi của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận của dư luận, thúc đẩy tích cực cho hoạt động của các cơ quan nhà nước” - ông Doãn nói.

Cùng quan điểm trên, ông Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, nhấn mạnh: “Nếu đã là sự thật, tại sao không ai nói ra mà lại né tránh. Cơ quan nhà nước, các tổ chức cần phải nói tiếng nói của mình một cách kịp thời chứ để thông tin sai lệch đầy rẫy trên mạng rồi mới nói thì ảnh hưởng rất xấu”.

“Mới đây báo chí đưa thông tin về một cán bộ cấp cao mất nhưng năm, bảy báo nói khác nhau về thời gian mất. Ngay trong đêm, tôi đã báo cáo lãnh đạo và đưa tin trực tiếp trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an để định hướng lại. Tới ngày hôm sau các báo đều đưa tin theo cổng thông tin điện tử của Bộ” - ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Thông tin báo chí Bộ Công an, dẫn chứng.

Đưa tin sai, ai xử phạt?

Các chuyên gia còn bàn thảo về nội dung ai là người xử phạt khi báo chí đưa tin sai, xác định thông tin đúng, sai thế nào? Đặc biệt là gần đây có đến 12 bộ, ngành đưa ra quy định xử phạt báo chí với mức xử phạt khác nhau về cùng một hành vi đưa tin sai sự thật trong lĩnh vực mình quản lý.

“Việc nhiều bộ, ngành ban hành nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí gây ra sự chồng chéo, khó thực thi, trái với Nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản” - ông Ngô Mạnh Hùng, Thanh tra Báo chí xuất bản, Bộ TT&TT, đánh giá. Cũng theo ông Hùng, các bộ, ngành vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa là đối tượng được báo chí phản ánh lại nắm thẩm quyền xử phạt báo chí đưa tin sai là không công bằng, sẽ thủ tiêu tính tích cực của báo chí.

Trao đổi vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho hay: “Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp và Bộ TT&TT xem xét, báo cáo, quyết định. Việc 12 bộ, ngành đòi xử phạt báo chí chủ yếu tập trung vào hai nội dung đưa tin thiếu chính xác và nguồn tin mà điều này đã được quy định cụ thể tại Nghị định 159. Trong đó có bộ, ngành phạt thấp, có bộ, ngành đòi phạt cao về cùng một hành vi đưa tin sai sự thật dẫn tới không thống nhất…”. Theo ông Doãn, việc xử phạt báo chí phải công tâm, khách quan thì báo chí mới tâm phục, khẩu phục. Nếu để tình trạng xử phạt chồng chéo, mỗi cơ quan xử một kiểu, mức phạt khác nhau, lại xử phạt về chính ngành mình quản lý thì sẽ rất khó thực thi.

Ông Doãn đề xuất nên quy việc xử phạt báo chí về một mối, đồng thời thành lập hội đồng độc lập, chuyên nghiệp như mô hình của một số nước tiên tiến để giúp đỡ cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử phạt, quản lý báo chí. Hội đồng này có đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật, có hội nhà báo và một số tờ báo… Hội đồng có nhiệm vụ làm trọng tài phán định, tư vấn giúp cơ quan quản lý báo chí đưa ra hình thức xử phạt; đồng thời làm trọng tài hòa giải các xung đột trong việc phản ánh thông tin, khuyến cáo các cơ quan báo chí đưa tin sai.

TRỌNG PHÚ

 

Trình Thủ tướng quyết định đầu mối xử phạt báo chí

Cùng chiều qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã chủ trì cuộc họp liên ngành xem xét thông tin “nhiều bộ, ngành đòi xử phạt báo chí”. Cuộc họp đã thống nhất các nội dung sau để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định: Việc báo chí nêu “Ai cũng có quyền xử phạt báo chí” là đúng sự thật; cần quy việc xử phạt báo chí về một mối cho thanh tra Bộ TT&TT và giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo một nghị định độc lập sửa tất cả nghị định khác có điều khoản xử phạt báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm