Từ kết quả trên, Bộ Tư pháp thấy rằng cần phải góp ý với TAND Tối cao về việc này. Tuy nhiên, về nguyên tắc Bộ Tư pháp không có quyền kiểm tra, kiểm soát thông tư của TAND Tối cao nên chỉ có thể góp ý để họ sửa. Dự kiến đến trước ngày 21-6, chúng tôi sẽ có văn bản góp ý chính thức gửi đến TAND Tối cao. Và tôi nghĩ rằng đó là “giấy phép con” không phù hợp nên đương nhiên TAND Tối cao sẽ phải sửa thôi.
. Trong trường hợp TAND Tối cao không sửa thì cơ quan chức năng nào có thẩm quyền “tuýt còi” buộc tòa án phải sửa?
+ Tôi chắc là TAND Tối cao sẽ sửa, đương nhiên phải sửa vì đây là “giấy phép con” không phù hợp, không cần thiết. Nếu không sửa sẽ gây ra những rào cản cho báo chí. Ngoài ra trong thông tư còn quy định bắt buộc nhà báo phải xuất trình trước 15 phút, nghĩa là chậm hơn 15 phút sẽ không được dự tòa, như thế cũng chưa hợp lý khi mà nguyên tắc xét xử của chúng ta là xét xử công khai. Hơn nữa, quyền của báo chí cũng đã quy định rõ trong Luật Báo chí và nghị định của Chính phủ rồi.
Với những phiên tòa thu hút dư luận và có nhiều nhà báo tham dự, tòa án thường sắp xếp, bố trí chỗ ngồi và thời gian tác nghiệp hợp lý cho nhà báo. Ảnh minh họa: HTD
Còn nếu trong trường hợp TAND Tối cao không sửa thì theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có chức năng yêu cầu TAND Tối cao xem xét chỉnh sửa cho phù hợp. Tuy nhiên, cá nhân tôi tin chắc rằng TAND Tối cao sẽ sửa lại quy định trên.
. Nhưng qua việc này cho thấy việc thẩm định, kiểm soát thông tư của nhánh tư pháp còn có những khoảng trống, thưa ông?
+ Hiện nay, Bộ Tư pháp đang soạn thảo dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tinh thần là sẽ có đề nghị với Chính phủ và Quốc hội có cơ chế kiểm soát các thông tư. Tuy nhiên, đối với dự thảo thông tư do TAND Tối cao và VKSND Tối cao soạn thảo thì lại là một nhánh khác và trực thuộc Quốc hội. Vì thế có lẽ cũng phải có cách tiếp cận thế nào đó, ví dụ như quy định vào trong luật bắt buộc phải lấy ý kiến của Bộ Tư pháp khi các đơn vị trên xây dựng dự thảo thông tư…
. Ông nhận định ra sao khi gần đây các bộ, ngành thường có xu hướng ra các văn bản siết hoạt động của báo chí?
+ Thực ra đối với các bộ, ngành trong Chính phủ thì tôi chưa thấy có quy định nào đi ngược lại các quy định của Chính phủ về hoạt động của báo chí.
Chỉ có một điều chúng tôi còn nợ báo chí là các nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến việc cung cấp thông tin, đăng tải thông tin nhưng mập mờ giữa một bên là chủ thể báo chí, nhà báo với một bên là người dân bình thường khi người ta tung tin sai sự thật. Cái này nó đang lẫn lộn, vì thế mới đây tôi cũng đã thúc các đơn vị trong Bộ đẩy nhanh việc này, trong đó tách riêng nội dung trách nhiệm của báo chí, xử phạt báo chí thì cấp nào mới được xử phạt chứ không phải mọi người đều có quyền xử phạt theo quy định của luật.
. Xin cảm ơn ông.
THÀNH VĂN