. Phóng viên: Nhưng thưa ông, Thông tư 01/2014 (*) của TAND Tối cao về nội quy phiên tòa không nói như vậy, từ đó dẫn đến cách hiểu là áp dụng cho tất cả phiên tòa?
+ Phó Chánh án Trần Văn Độ: Phiên tòa công khai thì anh cứ đến, anh là báo viết thì anh cứ đến ngồi dự bình thường chứ ai cấm anh vào dự. Cái này ra đời chủ yếu là để biết được số lượng các nhà báo tham dự, từ đó tổ chức nơi tác nghiệp, vị trí tác nghiệp thế nào làm sao cho bảo đảm trang nghiêm, trang trọng, nghiêm túc chứ không để lộn xộn.
. Nghĩa là quy định nhà báo đến dự tòa phải trình cùng lúc cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan chỉ áp dụng đối với những phiên tòa phức tạp, nhạy cảm, còn những phiên tòa bình thường thì phóng viên chỉ cần hoặc giấy giới thiệu hoặc thẻ nhà báo là được tham dự và tác nghiệp?
+ Phiên tòa công khai tất cả công dân đều được đến dự. Trường hợp có những phiên tòa lớn quá thì người ta có thể yêu cầu, bởi cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Rõ ràng báo chí vì sự nghiệp chung thì chỉ cần giấy giới thiệu thôi.
Với các phiên tòa lớn, chủ tọa yêu cầu nhà báo chỉ chụp ảnh ở đầu phiên xử, đầu buổi xử nên không ảnh hưởng đến quá trình xét xử của tòa. Ảnh: HTD
. Nhưng theo quy định tại thông tư thì muốn dự tòa và tác nghiệp thì nhà báo vẫn cần phải trình cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu, thưa ông?
+ Phiên tòa bình thường thì anh đâu cần phải trình. Anh cứ tác nghiệp, cứ chụp ảnh, đâu có ai cấm. Cái này ra đời chủ yếu là nhằm bảo đảm trật tự, trang nghiêm cho các phiên tòa lớn, nhạy cảm xã hội mà người đến dự đông quá. Phóng viên đến đông quá rồi đi lại, chụp ảnh, quay clip lộn xộn lắm nên mình cần phải có quy định để kiểm soát. Chứ không phải ban hành quy định trên là hạn chế, gây khó báo chí đâu. Cái này báo chí nhạy cảm quá! Thực tế cũng có phiên tòa chỉ một số báo chí tác nghiệp thôi. Cũng như chúng ta đang họp Quốc hội, chỉ có một số phóng viên được vào chụp ảnh rồi ra.
. Như thế có thể hiểu rằng quy định này chỉ áp dụng đối với những phiên tòa đặc biệt, thưa ông?
+ Những phiên tòa đặc biệt mà chúng ta thấy cần phải có sự kiểm soát về an ninh, trật tự. Còn những phiên tòa bình thường thì không áp dụng quy định này. Công dân, nhà báo khi đó có thể vào một cách tự do, bình thường và tác nghiệp một cách an ninh, trật tự.
. Nhưng nếu các tòa lại căn cứ vào quy định này bắt buộc báo chí phải trình cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu mới cho tác nghiệp thì sao, thưa ông?
+ Tôi là nhà báo, tôi ngồi dưới tham dự phiên tòa rồi tôi viết bài thì sao anh lại bắt tôi phải trình. Chỉ có những phiên tòa lớn, phiên tòa nhạy cảm, có quá đông người đến dự mới áp dụng quy định đó thôi.
. Nhưng thực tế quy định đó đã được một thẩm phán chủ tọa phiên tòa ở tỉnh Bình Phước áp dụng nhằm hạch sách phóng viên rồi?
+ Hoạt động đặc thù của tòa án là thế, người ta hiểu là thế nên có thể mình sẽ có hướng dẫn thêm cho các chánh án, chủ tọa phiên tòa và các tòa để họ nắm và hiểu rõ.
. Xin cảm ơn ông.
THÀNH VĂN thực hiện
(*) Trên trang web của TAND Tối cao có lúc ghi là Thông tư 03/2014.
Ông LÊ HỒNG SƠN, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp: Vênh với Nghị định 51/2002 Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra và báo cáo lên Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Hiện Bộ Tư pháp đang kiểm tra rà soát các nội dung của Thông tư này so với các văn bản pháp luật hiện hành. Kiểm tra ban đầu cho thấy quy định Điều 4 trong nội quy phiên tòa có điểm “vênh” với Nghị định 51/2002. Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 51/2002 quy định, khi đến làm việc với các cơ quan, tổ chức thì nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Còn trong thông tư yêu cầu phải có thêm giấy giới thiệu. Tức là đẻ thêm một loại giấy tờ. Đề nghị sửa lại quy định này Khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002 đã quy định rõ nhà báo được “hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng…”. Như vậy, khi tham dự phiên tòa, chỉ cần tấm thẻ nhà báo là đã có thể chứng minh quyền tác nghiệp của nhà báo, không cần giấy giới thiệu làm gì. Đối với những ai chưa có thẻ nhà báo hoặc không mang thẻ nhà báo thì giấy giới thiệu công tác đủ để chứng minh mình là người của cơ quan báo chí cử đến tòa tác nghiệp. Việc quy định cần cả hai loại giấy tờ như nội quy phiên tòa mới ban hành là không phù hợp với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp theo Nghị định 51/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí. Tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp sẽ lan tỏa được thông tin, hạn chế tiêu cực trong hoạt động tư pháp và cũng đáp ứng nhiệm vụ phổ biến pháp luật của tòa án tới nhân dân. Hơn nữa, khi mà Đảng và Nhà nước yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính thì TAND Tối cao lại ra thông tư quy định nhà báo khi đến tòa tác nghiệp phải có hai loại giấy tờ là không phù hợp. Đề nghị TAND Tối cao xem xét sửa lại nội dung này cho phù hợp với tinh thần của Luật Báo chí. Nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN, Quy định vậy là không cần thiết Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”. Quyền hạn của nhà báo cũng được xác định rõ trong Luật Báo chí và Nghị định 51/2002. Theo đó, nhà báo “được đến các cơ quan, tổ chức… để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Nếu nhà báo đến tác nghiệp, tìm hiểu bản chất của một vấn đề, tìm hiểu thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến xã hội, sự việc cụ thể đến bí mật Nhà nước, cá nhân một con người thì cần phải có giấy giới thiệu của cơ quan (báo chí) để biết rằng cơ quan báo chí ấy đang cử nhà báo đi tìm hiểu. Còn để tham dự những phiên tòa bình thường, ghi nhận thông tin thì chỉ cần một trong hai giấy thông hành là giấy giới thiệu hoặc thẻ nhà báo là đủ. Việc yêu cầu cả hai giấy một lúc là không cần thiết. Kiểm sát viên cao cấp ĐỖ ĐỨC VĨNH, Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao Quy định không ổn! Đối với báo chí, thẻ nhà báo chính là thẻ hành nghề. Hơn nữa, đặc thù nghề nghiệp báo chí đâu phải là phân công đến từng vụ việc. Luật Báo chí cho phép nhà báo được hoạt động trên toàn quốc, trong các lĩnh vực để phục vụ cho tác nghiệp chứ không phải nhà báo chỉ được làm từng việc, từng nơi. Nếu ngoài thẻ nhà báo còn yêu cầu thêm giấy giới thiệu thì phải bao nhiêu giấy giới thiệu mới đủ trong khi hoạt động xét xử là thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, luật quy định muốn được cấp thẻ nhà báo thì phải có thời gian công tác trong cơ quan báo chí trên ba năm. Vậy thời gian đầu vào nghề, phóng viên không được hoạt động trong lĩnh vực pháp đình à? Trong khi đó, tòa án rất cần sự có mặt của báo chí và truyền thông để tuyên truyền pháp luật. Quy định này vẫn còn chung chung lắm nhưng về nguyên tắc là khi đặt ra quy định thì phải làm cho công việc được thuận lợi hơn chứ làm khó khăn, phức tạp là điều không nên. Một thẩm phán TAND TP.HCM Tạo điều kiện hay làm khó? Nhà báo được cấp thẻ tức là đã cấp giấy phép hành nghề của họ. Luật Báo chí quy định các cơ quan tổ chức, cá nhân tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí. Nay với việc buộc nhà báo phải có thêm giấy giới thiệu - là một loại giấy phép nữa thì được hiểu là tạo điều kiện hay là làm khó khăn hơn? Tôi hiểu việc TAND Tối cao ban hành thông tư này là để tổ chức hoạt động tòa án được quy củ, tốt hơn nhưng phải đúng theo tinh thần pháp luật. Trong trường hợp nhà báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định, cơ quan pháp luật khác chứ tòa không nên ôm cả để rồi “đá” quy định này, mâu thuẫn với quy định khác. Nhìn ở góc độ rộng hơn, quy định dự tòa buộc phải có vừa thẻ nhà báo lẫn giấy giới thiệu sẽ tước mất quyền tác nghiệp của những phóng viên trẻ chưa có thẻ nhà báo. Nếu các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp không có ý kiến gì thì tôi cũng sẽ trao đổi với chánh án TAND Tối cao về vấn đề này cho rõ. Ông LÊ NHƯ TIẾN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội NHÓM PV thực hiện |