Dự thảo nội quy phiên tòa làm khó nhà báo?

TAND Tối cao vừa công bố dự thảo Thông tư của chánh án TAND Tối cao ban hành nội quy phiên tòa. Theo đó, khoản 5 Điều 2 nội quy phòng xử án quy định: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh khi được sự đồng ý của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”. Quy định này đã khiến nhiều người băn khoăn.

“Giấy phép con”?

Trước hết, theo dự thảo thì nhà báo, phóng viên muốn tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh thì phải được sự đồng ý của chánh án tòa án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt vấn đề: Tiêu chuẩn cụ thể nào để chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa chấp thuận hay từ chối cho nhà báo, phóng viên tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh? Dự thảo thông tư không hề đề cập. Giả sử nhà báo, phóng viên đến xuất trình thẻ nhà báo đúng quy định (chậm nhất 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa) mà chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa “ghét”, không đồng ý cho nhà báo, phóng viên đó tham dự phiên tòa thì sao?

Theo luật sư Đức, tòa án là một trong những địa điểm tác nghiệp của nhà báo (không thuộc danh mục cấm). Pháp luật về tố tụng cũng quy định tòa xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự, theo dõi (trừ trường hợp xử kín). Ai cũng biết báo chí là kênh thông tin tuyên truyền pháp luật quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay nên cần phải tạo điều kiện cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp. Việc bắt buộc nhà báo, phóng viên chỉ được tham dự sau khi đã xin phép và được chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa đồng ý chẳng khác nào là một kiểu “giấy phép con”. Tốt nhất là chỉ nên quy định như sau: “Các nhà báo, phóng viên muốn tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh thì phải xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”.


Các phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa hình sự của TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: T.TÙNG 

Đồng tình, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) phân tích: Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999) cũng như Nghị định 51 ngày 26-4-2002 của Chính phủ đều quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 8 Nghị định 51 nhấn mạnh nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Như vậy việc TAND Tối cao đặt ra quy định là không chỉ xuất trình thẻ nhà báo mà còn phải được sự đồng ý của chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa là trái Luật Báo chí cũng như Nghị định 51.

“Nội quy của tòa không thể to hơn luật. Thực tế chỉ cần quy định khi đến tác nghiệp tại phiên tòa, nhà báo, phóng viên xuất trình giấy tờ cho thư ký phiên tòa là đủ” - luật sư Thiện nói.

Không có “thẻ phóng viên”!

Một vấn đề khác, dự thảo thông tư quy định nhà báo, phóng viên muốn tham dự phiên tòa thì phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa...

Theo quy định hiện hành thì chỉ có thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứ không có loại nào gọi là “thẻ phóng viên” cả. Theo đó, các phóng viên muốn đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo thì phải có thời gian công tác liên tục tại một cơ quan báo chí trong vòng ba năm liền và không bị vi phạm kỷ luật. Trên thực tế, trong trường hợp phóng viên chưa đủ điều kiện để được cấp thẻ nhà báo (như chưa đủ thời gian làm việc) thì cơ quan báo chí quản lý phóng viên đó sẽ cấp giấy giới thiệu để phóng viên liên hệ với các cơ quan chức năng khác khi làm việc. Trên giấy giới thiệu sẽ ghi rõ cơ quan báo chí, tên phóng viên, liên hệ với cơ quan nào, nội dung làm việc, thời hạn giấy giới thiệu có giá trị…, có chữ ký của lãnh đạo cũng như con dấu cơ quan báo chí.

Thời gian qua, cũng có một số cơ quan báo chí tự ý làm thẻ cho người của mình, gọi đó là “thẻ phóng viên” nhưng thẻ này hoàn toàn không có giá trị pháp lý và đã bị cơ quan quản lý báo chí cấm phát hành.

Như vậy dự thảo thông tư đã lỗi thời khi không cập nhật thuật ngữ giấy tờ của nghề báo để đưa vào quy định của mình. Ban soạn thảo thông tư cần sửa lại cho phù hợp với thực tế là “thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí”.

THANH TÙNG

 

Giữa năm 2013, Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài viết phản ánh về một quy định làm “bó tay” nhà báo của ngành tòa án trong dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Điểm e khoản 1 Điều 17 dự thảo pháp lệnh quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án”.

Tại cuộc họp ngày 14-3 vừa qua, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã không tán thành nhiều quy định trong dự thảo pháp lệnh này do có nhiều điều khoản trùng lặp; chưa phù hợp với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, cần phải bổ sung, chỉnh sửa.

_______________________________________

Khó cho phóng viên

Việc phóng viên ghi hình, ghi âm trong phòng xử phải xin phép tòa là cần thiết. Tuy nhiên, quy định phóng viên khi tham dự phiên tòa cũng phải xin phép thì rõ là khó cho phóng viên. Nếu ngành tòa án có ý muốn “siết” lại tác nghiệp của phóng viên tại tòa thì phải làm rõ điều kiện nào để phóng viên được người có thẩm quyền chấp nhận cho tham dự phiên tòa. Phải liệt kê rõ trường hợp nào chánh án hoặc chủ tọa được từ chối quyền tham dự của phóng viên. Nếu không thì sẽ dẫn đến tính trạng mỗi người hiểu khác nhau, cùng tính chất vụ việc nhưng có thể thẩm phán này cho, thẩm phán khác lại cấm.

Kiểm sát viên NGUYỄN KIM TIẾNG, Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM

Phải đảm bảo quyền tác nghiệp

Quy định này vừa không hợp lý vừa không hợp pháp. Có thể người soạn thảo có ý muốn tăng quyền kiểm soát của tòa nhưng mục đích gì thì cũng phải đảm bảo quyền tác nghiệp cho nhà báo vì nó liên quan đến quyền được thông tin của người dân. Ngoài ra, nhờ kênh báo chí mà người dân còn thể hiện được quyền giám sát của mình với hoạt động xét xử của ngành tòa án, nếu hạn chế thì quyền này cũng bị ảnh hưởng.

ThS LƯU ĐỨC QUANG, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm