Nhiều tên tuổi lớn trên thế giới tiếp tục bơm vốn mở rộng quy mô hoạt động sản xuất trong khi hàng tỉ USD đang xếp hàng chờ rót vào Việt Nam (VN). Điều này chứng minh thị trường Việt có tiềm năng với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Điểm đến đầu tư thành công
Trên các diễn đàn công nghệ lớn vừa xuất hiện hình ảnh của chiếc vỏ hộp điện thoại Google Pixel 4A với hàng chữ “Made in Vietnam”. Điều này cho thấy gã khổng lồ Google đã chính thức sản xuất mẫu điện thoại mới nhất tại VN.
Trước đó, tờ Nikkei của Nhật Bản tiết lộ Google dự định xây một nhà máy tại Vĩnh Phúc sản xuất điện thoại. “Gã khổng lồ công nghệ của Mỹ có kế hoạch chuyển hầu hết dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home. VN trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực phát triển của Google trên thị trường điện thoại thông minh” - Nikkei cho hay.
Ngày 8-9 vừa qua, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cũng cho hay sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có VN. Đại diện Samsung khẳng định: Việc dịch chuyển một phần nhà máy tivi sang VN sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, tại Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM - Mỹ tổ chức mới đây, ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Intel VN, cho hay tập đoàn này đã đầu tư vào VN hơn 1 tỉ USD và tạo ra hơn 5.000 việc làm sau gần 15 năm có mặt tại nước ta. Thị trường VN là điểm sản xuất các con chip hàng đầu cung cấp cho thế giới.
Theo ông Kim Huat Ooi, trong suốt 15 năm qua, Intel đã không ngừng mở rộng hoạt động tại VN và sẽ có các dự định lớn hơn trong tương lai. Thực tế, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đã chào mời Intel đến đầu tư nhưng việc quyết định chọn VN nhờ vào tính ổn định. Ngoài ra, Intel được hưởng lợi các chính sách ưu đãi và có được hạ tầng đầu tư khá tốt.
“Trong hơn một thập niên, chúng tôi đã hoạt động ổn định, kinh doanh tăng trưởng bền vững. Điều đó chứng minh Intel đã chọn VN điểm đến đầu tư thành công” - ông Kim Huat Ooi nói.
Samsung đang đầu tư mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. (Nguồn: SS)
Việt Nam đang là điểm sản xuất quan trọng cho Intel. Ảnh: TL
Thêm hàng tỉ USD có thể sắp vào Việt Nam
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20-8 vừa qua, tổng vốn FDI vào VN đạt 19,54 tỉ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù con số này chưa tăng bằng cùng kỳ nhưng có tín hiệu đáng mừng là dòng vốn vẫn đang chảy mạnh vào VN, bất chấp tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, nhận định đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào VN, vì trong nhiều năm trở lại đây, VN đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư quyết liệt. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài cộng hưởng như xung đột giữa các nền kinh tế, dịch bệnh COVID buộc các nhà đầu tư phải tái cơ cấu phần đầu tư tại Trung Quốc nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và tạo ra chuyển dịch cho dòng vốn này vào VN.
Đặc biệt, lãnh đạo cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thông tin nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang đàm phán để đổ vốn đầu tư vào VN lên đến con số hàng tỉ USD. “Hiện chúng tôi chưa thể công bố tên tuổi những tập đoàn này vì họ yêu cầu giữ bí mật. Đây toàn là những tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào VN với các dự án từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD trong giai đoạn tới” - ông Hoàng cho biết.
Điểm đến của ông lớn VN gần đây nổi lên như một trong những điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư lớn. Tháng 7 vừa qua, Apple khẳng định sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe Airpods từ Trung Quốc sang VN. Google, HP và Dell đều đã di dời nhà máy sản xuất laptop sang Đài Loan hay đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN. LG của Hàn Quốc cũng chuyển sản xuất dòng điện thoại thông minh của mình sang Hải Phòng. LG, Nintendo, Sharp… cũng đầu tư khá mạnh tại VN. |
Nhìn thẳng thực tế
Tuy đã có một số “đại bàng” đến VN nhưng TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần nhìn thẳng vào thực tế rằng các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu với chất lượng cao, công nghệ cao còn ít. Trong khi đây là những nhà đầu tư mà VN muốn hướng đến vì phù hợp với mong muốn cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng.
“Tại sao họ lại không vào?” - ông Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề và tự trả lời rằng: Điều đầu tiên mà các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu mong muốn là chính sách, luật pháp của VN phải ổn định, cụ thể, rõ ràng, minh bạch và việc thực thi phải nhất quán, dự đoán được; không có tiền gầm bàn, không có chi phí phi chính thức. Điều này rất quan trọng vì các nhà đầu tư này là những người luôn tuân thủ luật pháp, không muốn phải đối diện với rủi ro pháp lý. Nói cách khác, nếu như thấy trước viễn cảnh sẽ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh đầu tư.
“Mặt khác, VN cần thiết kế chính sách “may đo” theo từng nhà đầu tư chứ không “may sẵn”. Lúc đó chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư và mới chọn được nhà đầu tư có chất lượng. Trong cuộc chơi này phải xác định các bên cùng thắng, cùng có lợi. Chúng ta phải hành động cụ thể và xử lý đúng vấn đề mà nhà đầu tư yêu cầu” - TS Cung nhấn mạnh.
Chẳng hạn hiện nay các nhà đầu tư đòi hỏi lao động kỹ thuật cao. “Để giải quyết vấn đề này ở từng dự án đầu tư cụ thể thì chúng ta phải phối hợp với nhà đầu tư để xác định họ cần bao nhiêu lao động và lao động đó là gì. Từ đó, chúng ta cùng với họ thiết kế những chương trình và hỗ trợ đào tạo cho từng dự án một. Cách tiếp cận như thế mới giải quyết được yêu cầu của nhà đầu tư” - TS Cung gợi ý.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng thông tin: Hiện Bộ KH&ĐT cùng nhiều cơ quan khác đang nỗ lực hoàn thiện nhiều vấn đề nhằm đáp ứng thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao. Chẳng hạn, vấn đề mặt bằng, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT đang rà soát lại các địa phương có quỹ đất trong khu công nghiệp cần khai thác, mở rộng theo ý nhà đầu tư chứ không phải theo kiểu quy hoạch manh mún. Với các dự án không triển khai thì địa phương có giải pháp thu hồi lại để tạo quỹ đất sạch cho dự án có chất lượng cao.
Gói ưu đãi phù hợp với từng đối tượng Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho hay Bộ KH&ĐT đang cùng với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng trang web mạng lưới công nhân tu nghiệp sinh làm việc ở các nước. Những nhân lực này làm việc ở nước ngoài, vừa có tay nghề lại vừa quen với văn hóa lao động công nghiệp. Từ đó phân loại ra vùng miền, ngành nghề… để có nguồn lao động tại chỗ đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. “Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành tham mưu các gói ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, theo dạng đo may theo kích cỡ chứ không đưa ra một kiểu như hàng chợ” - ông Hoàng khẳng định. |