Nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ tại miền Trung

Đến chiều 5-9, mưa lũ đã gây ra nhiều thiệt hại cả về người lẫn vật chất tại nhiều tỉnh miền Trung.

Nước ngập hơn 15.000 ngôi nhà

Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn còn hơn 600 ngôi nhà ngập sâu với 40 căn nước dâng đến nóc. Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho hay nơi đây bị cô lập với bên ngoài đã ba ngày.

Một số người dân ở vùng bị ngập sâu đã được di dời đến nơi an toàn, nhiều hộ khác đang ở trên ngôi nhà phao nên tạm thời đã an toàn. “Trước khi lũ về, chúng tôi đã thông báo cho người dân chuẩn bị thức ăn, nước uống cho khoảng 10 ngày. Nếu tình trạng ngập này kéo dài thì sẽ cần hỗ trợ lương thực từ bên ngoài” - ông Đá nói và nhận định rằng vì trời còn mưa và lũ vẫn đang lên chậm nên dự tính nước lũ vẫn còn ở thêm ít nhất khoảng năm ngày nữa.

Tân Hóa được xem là rốn lũ vì địa phương này thấp trũng, như được bao quanh bởi các vách núi nên nước thoát rất lâu, các thuyền cỡ nhỏ của dân địa phương không thể sử dụng được vì nước chảy rất mạnh. Và không riêng gì nơi đây, nhiều nơi ở Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng bị ngập và chia cắt bởi nước lũ. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tới chiều 5-9, hơn 15.200 ngôi nhà ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ngập lụt. Trước tình hình trên, hơn 3.700 hộ dân đã phải sơ tán tại chỗ.

Xã Tân Hóa đang có hơn 600 căn nhà bị ngập sâu. Ảnh: T.ANH

Nhiều người gặp nạn

Tại Quảng Bình đã có ít nhất một người chết, một người mất tích và ba người bị thương trong đợt mưa lũ này. Còn ở Hà Tĩnh, đến chiều 5-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn huyện Nghi Xuân cùng người dân đã tìm thấy hai người mất tích trên hồ nước Rào Mỹ Dương. Các nạn nhân là Lê Văn Ninh, Lê Văn Long. Trước đó, hai anh Ninh, Long cùng nhiều người ở xã Xuân Viên chèo thuyền ra Rào Mỹ Dương thả lưới bắt cá lũ. Đến gần trưa cùng ngày, không may một chiếc thuyền bị lật khiến hai người bị nước cuốn trôi.

Một nạn nhân khác, chiều 4-9, ông Lê Văn Bân (56 tuổi, công an viên, ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đi xe máy trên quốc lộ 15A đoạn qua thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê) thì bị gió thổi khiến áo mưa quấn vào bánh xe máy làm ông ngã xuống, bị cuốn vào kênh dẫn nước chảy vào hồ Bình Sơn khiến ông tử vong.

Tại Nghệ An, đêm 1-9, chị Trương Thị Vinh (xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn) đi bắt cá trong mưa lũ. Quá trình bắt cá, chị Vinh bị sẩy chân xuống hồ Đập Mới (huyện Nghĩa Đàn), tử vong. Cũng tại Nghệ An, ngày 2-9, anh Hồ Vĩnh Hiệp (21 tuổi, trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) cùng cha ra đồng thả lưới bắt cá, không may anh bị trượt chân rơi xuống ao sâu. Người cha đã nỗ lực gọi mọi người đến cứu nhưng khi vớt lên được thì anh Hiệp đã tử vong.

Một đoàn cán bộ đi giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ cũng gặp nạn. Theo đó, khoảng 8 giờ 30 sáng 5-9, đoàn công tác của UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang đi thị sát nắm tình hình và thăm hỏi bà con ở vùng lũ ven sông Gianh thì không may bị lật thuyền. Trên thuyền lúc này có ông Cao Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa; ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện; anh Đoàn Thanh Đạm, PV đài truyền thanh huyện; cùng ba cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Tuyên Hóa. Họ bị rơi xuống nước, trôi gần 1 km mới được lực lượng cứu nạn đưa vào bờ.

Thủ tướng gửi thư chia sẻ với người dân

Ngày 5-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư động viên đồng bào và các lực lượng chức năng tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai.

Theo Thủ tướng, trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế liên tiếp có mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng tại nhiều khu vực thấp trũng gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, các lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn từ trung ương tới cơ sở và sự chủ động ứng phó của nhân dân đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. “Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đồng chí, đồng bào, lực lượng phòng, chống thiên tai đã vượt qua mọi khó khăn, không quản ngại hiểm nguy góp phần bảo đảm an toàn cho người dân và đặc biệt cho các cháu học sinh nhân dịp khai giảng. Thời gian tới, thiên tai có thể còn phức tạp, khó lường, tôi đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các lực lượng phòng, chống thiên tai và toàn thể nhân dân tiếp tục chủ động làm tốt hơn nữa công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ” - thư viết.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ những khó khăn của chính quyền và nhân dân vùng ngập lũ và đề nghị các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái để cùng chung tay ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục thiệt hại, bảo đảm sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

AN HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới