Nhân kỉ niệm 79 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2022) NXB Tổng hợp TP.HCM đã giới thiệu tác phẩm Đằng sau mặt báo - Chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 của tác giả Trần Đình Ba.
Với dung lượng hơn 500 trang, Đằng sau mặt báo chứa đựng nhiều thông tin hấp dẫn về báo chí Việt Nam xưa.
Sách "Đằng sau mặt báo - Chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945" của tác giả Trần Đình Ba, NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Q.M |
Sách được chia làm hai phần cơ bản. Phần 1 của tác phẩm giới thiệu chân dung cụ thể từng tờ báo được phân chia theo khu vực địa lý Bắc Kỳ - Trung Kỳ và Nam Kỳ. Ở mỗi kỳ, các tờ báo được sắp xếp theo tiến trình thời gian cho bạn đọc dễ theo dõi.
Qua phần trình bày này cho thấy báo chí ra đời trước nhất ở Sài Gòn với tờ báo đầu tiên là Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo) năm 1861, do Đô đốc Bonard thực hiện.
Tiếp sau phần báo chí ba kỳ là những tờ báo của người Việt xuất bản ở nước ngoài như Pháp, Xiêm, Cao Miên được đề cập. Trong đó có những tờ Cao Miên hướng truyền, Công binh tạp chí theo tác giả là chưa được ghi nhận trong các sách từ điển, sách nghiên cứu báo chí trước đây.
Nội dung về các tờ báo khuyết chân dung cũng được đề cập dù tư liệu ít ỏi, nhưng có thể làm cơ sở để những người quan tâm tới báo chí sau này lần tìm sâu hơn.
Phần 2 của Đằng sau mặt báo phác họa chân dung tổng quan về báo chí, là những câu chuyện hậu trường liên quan đến báo chí nửa sau thế kỷ XIX đến 1945.
Phần này làm sống dậy đời sống báo chí gần một thế kỷ, giúp độc giả tiếp cận gần hơn với tính chân thực của hoạt động báo chí Việt Nam trước đây.
Sách có nhiều thông tin hấp dẫn về các tờ báo và chuyện hậu trường nghề báo. ẢNH: M.T. |
Trong đó có bộ mặt báo chí ba kỳ, kỹ thuật lấy tin bài, sự kiểm duyệt báo chí của chính quyền thực dân trước 1945, cách phát hành báo, số lượng bản in, tình cảm của độc giả với báo chí, tranh luận, bút chiến trên báo… Nhiều chi tiết hấp dẫn có thể tìm thấy trong phần này.
Trong phần này, ở bài "Độc giả với báo chí", ghi nhận tình cảm của độc giả đối với tờ báo mà họ yêu mến, là điều mà bất cứ tờ báo nào khi hoạt động cũng mong muốn hướng đến.
Bài "Chính tả báo chí", cho thấy báo chí thời xưa sai lỗi chính tả rất nhiều. Các báo ở Bắc Kỳ chú trọng chính tả. Ở Nam Kỳ, nội dung, tin tức được quan tâm nhiều hơn. Việc chú trọng chính tả trên báo có tờ báo Sống năm 1935 của Đông Hồ được Nguyễn Ngu Í nhận xét: “Sống có thể tự hào mình là tờ báo trong Nam trước nhất đã in hỏi, ngã đúng”…
Một bài báo về pháp luật trên báo Đàn bà mới. ẢNH TL. |
Đọc Đằng sau mặt báo, giúp độc giả thấy được thêm tầm quan trọng của pháp luật khi nhiều tờ báo có mở ra mục riêng liên quan đến luật pháp, hoặc những vụ án liên quan đến kiện tụng báo chí, cụ thể là Báo mới kiện Hà Nội tân văn trong vấn đề chữ nghĩa năm 1941.
Chia sẻ việc viết tác phẩm này với Pháp luật TP.HCM, tác giả Đình Ba mong với Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt thuở ban đầu đến 1945 góp thêm một tài liệu với cách triển khai nhẹ nhàng, phù hợp độc giả đại chúng để giúp những người quan tâm báo chí nước nhà tìm hiểu về báo chí xưa qua góc nhìn của chính những người làm báo, qua nội dung do tờ báo, tạp chí đó thể hiện.