Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Chính phủ nhận định chính sách BHXH 1 lần là một trong những thay đổi cơ bản của luật. Vì vậy, trong lần cho ý kiến mới đây, các đại biểu Quốc hội đã tập trung về vấn đề này và đưa ra rất nhiều hướng để cơ quan soạn thảo nghiên cứu.
Ý kiến phân tán về BHXH 1 lần
Tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của đại biểu Quốc hội vào chiều 2-11, Tổng Thư ký Quốc hội ghi nhận có 10 ý kiến chọn phương án 1.
Một số ý kiến cũng đồng thuận phương án 1 nhưng đề nghị điều chỉnh thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm; NLĐ tham gia BHXH trước thời điểm luật này có hiệu lực chỉ được rút tối đa 70% còn tham gia sau thời điểm luật này có hiệu lực thì được rút 30%.
Có tám ý kiến chọn phương án 2, và một số ý kiến đề nghị làm rõ phương án này. Chẳng hạn như cơ sở quy định chỉ cho NLĐ rút 50% và giữ lại quỹ 50%.
12 ý kiến còn băn khoăn, không đồng ý với cả hai phương án. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo thiết kế một phương án nhưng có nhiều phương thức để NLĐ lựa chọn. Song song đó, cần nghiên cứu, thiết kế một phương án mới theo hướng NLĐ được rút phần NLĐ đóng cùng với sự hỗ trợ thêm của Nhà nước theo một tỉ lệ nhất định (khoảng 4%) sẽ phù hợp hơn.
Có ý kiến đại biểu lại đề xuất phương án, quy định tỉ lệ NLĐ được rút là 46%, giữ lại 54%. Bởi hiện nay mức đóng vào quỹ BHXH là 26% trên tổng mức lương, trong đó doanh nghiệp đóng tới 14%, NLĐ đóng 12%, nên mức rút trên là phù hợp.
2 phương án nhận BHXH 1 lần
Phương án 1 chia làm hai nhóm. Nhóm 1, NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần. Trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.
Phương án 2 cho NLĐ rút BHXH một lần nhưng tối đa 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Nhưng cũng có đại biểu ý kiến đề nghị làm rất rõ nguyên nhân tại sao rút BHXH 1 lần, từ đó mới có được phương án xử lý cho trúng, “hai phương án đưa ra vẫn chưa trúng, cần giải pháp để xử lý bằng chính sách khác”.
Có ý kiến đề nghị, nghiên cứu không nên phân biệt thời điểm việc tham gia BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực, đồng thời đánh giá tác động rất kỹ nội dung này và có thể tính toán phương án vẫn cho rút nhưng cho rút nhiều lần, giãn tiến độ.
Thêm vào đó, có đại biểu đề nghị quy định cả hai phương án để người tham gia BHXH có sự lựa chọn. Trường hợp không cho NLĐ rút BHXH 1 lần phải có chính sách gì vay ưu đãi để hỗ trợ cho họ. “Tiền đóng BHXH là tài sản của NLĐ, không thể chiếm đoạt”.
Ngoài ra, có đại biểu cho rằng tính toán lại các chế độ chính sách bảo hiểm sao cho hợp lý. Song song đó, có thể bổ sung các chế độ cho bản thân, con cái, chế độ cho người già, cha mẹ mới hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần.
Phương án chỉ cho rút 50% BHXH 1 lần hợp lý hơn
Liên quan đến hai phương án rút BHXH một lần, tại hội nghị lấy ý kiến thanh niên về dự án Luật BHXH mới đây, các đại biểu cho rằng hai phương án đều có nhược điểm. Chẳng hạn, phương án 1 tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng rút BHXH 1 lần ồ ạt...
Hiện cứ hai người tham gia đóng BHXH thì một người rời đi là tình trạng đáng lo ngại của hệ thống an sinh"- ông Hiểu nói và bày tỏ sự lo lắng về việc NLĐ rút BHXH 1 lần, bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến an sinh lâu dài của lao động.
Cạnh đó, ý kiến cho rằng phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho NLĐ là tiền của NLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật lao động.
Để khắc phục nhược điểm của cả 2 phương án, các đại biểu đề xuất một số giải pháp khác. Chẳng hạn, có thể tính đến phương án giảm sốc từ từ, giảm số tiền được rút BHXH 1 lần theo lộ trình: Năm nay được rút 80%, dần dần các năm sau chỉ được rút 70% và dần dần không cho rút để giảm sốc cho NLĐ.
Trong bối cảnh bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa phát triển, có thể nghiên cứu tách quỹ hưu trí bắt buộc thành hai phần, phần bắt buộc đóng ở mức sàn để đảm bảo an sinh xã hội, và phần còn lại lại của thu nhập. NLĐ không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại...
Tuy nhiên , hội nghị cũng ghi nhận ý kiến đề nghị lựa chọn phương án 2. Vì phương án này đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu trước mắt và đảm bảo lợi ích lâu dài khi về già.
Trước những tranh luận trên, đại diện cho NLĐ là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết hai phương án Chính phủ đề xuất đều có ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, phương án nào cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, kinh tế, trong lúc lao động không còn việc làm và rất cần tiền.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, khi sửa Luật BHXH công đoàn luôn theo đuổi quan điểm “dứt khoát không làm giảm quyền lợi của NLĐ”. Vì vậy, vẫn nên cho NLĐ được rút BHXH 1 lần, bởi vì đó là quyền của họ. Nhưng nhà nước cần có chính sách hạn chế rút và kèm theo các giải pháp hỗ trợ cho NLĐ.
Hiện hệ thống tín dụng dành cho công nhân chưa có, họ muốn vay vốn theo diện hộ nghèo cũng rất khó tiếp cận. Để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, việc hỗ trợ tài chính trong lúc cấp bách là biện pháp hữu hiệu để công nhân khoan nghĩ đến rút BHXH 1 lần và không thành nạn nhân của tín dụng đen.
Giải trình trước Quốc hội về rút BHXH 1 lần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cho biết phương án 2 quy định rút 50% thời gian đóng chứ không phải mức đóng, 50% để lại sẽ ghi nhận trong sổ BHXH để NLĐ tiếp tục được hưởng các quyền lợi. “Do đó có thể thấy phương án 2 là 50% đã tính toán. Đây là phương án tối ưu hơn trong tất cả các phương án đang có hiện nay.