Trong văn bản vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết 10 tháng đầu năm 2023, số người rút BHXH 1 lần là 947.322 người, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia BHXH.
Sửa luật để giảm rút BHXH một lần
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng rút BHXH 1 lần ngày càng tăng là do doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, dẫn đến người lao động (NLĐ) thiếu việc làm, mất việc làm tăng theo. Đa số NLĐ có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn, họ phải rút tiền ra để chi tiêu, trang trải khó khăn.
“Thêm vào đó là thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm tự nguyện. Quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu như hiện hành là quá dài. Cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, chưa giúp NLĐ hiểu đầy đủ về lợi ích của chính sách BHXH...” - ông Dung nêu.
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Trong đó có nội dung “cần đưa ra quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.
Trên tinh thần đó, Chính phủ vừa trình Quốc hội sửa Luật BHXH theo hướng bám sát Nghị quyết 28. Cụ thể, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Đưa ra hai phương án về BHXH 1 lần, một là chỉ cho NLĐ rút 50% BHXH một lần, hai là không cho NLĐ rút BHXH 1 lần kể từ ngày luật có hiệu lực…
Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định chính sách BHXH đa tầng để khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đặc biệt, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, họ còn được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo.
4,85 triệu là số người rút BHXH 1 lần trong giai đoạn 2016-2022. Tuy nhiên, số quay lại đóng BHXH chỉ có 1,24 triệu người.
Cạnh đó, Chính phủ cũng có giải pháp hỗ trợ phát triển DN, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho NLĐ. Cụ thể, sửa đổi Luật Việc làm theo hướng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự là công cụ để quản trị thị trường lao động. Đồng thời hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, tránh sa thải lao động; bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và NLĐ, nhanh chóng đưa người thất nghiệp trở lại làm việc.
“Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng các chính sách tăng cường hiệu quả các chính sách giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt của NLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già…” - ông Dung thông tin thêm.
Khả năng “mất trắng” hơn 4.100 tỉ đồng BHXH
Về tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, ông Dung cho biết tính đến ngày 31-10-2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN khoảng 14.650 tỉ đồng, chiếm 3,05% số phải thu, giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH, BHTN tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là 4.164 tỉ đồng.
Nguyên nhân được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra là do những năm gần đây DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, dẫn tới khó khăn trong việc đóng BHXH, BHTN cho NLĐ. Cạnh đó là ý thức tuân thủ pháp luật của đơn vị sử dụng lao động chưa cao, thiếu quan tâm đến quyền lợi của NLĐ.
Cùng với đó là các quy định về chế tài xử lý hành vi nợ BHXH, BHTN chưa đủ sức răn đe như Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với các DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là ổn định và duy trì việc làm cho NLĐ. Song song đó là các giải pháp về chính sách, chẳng hạn sửa đổi chính sách BHTN theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả để hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp. Tăng cường các chính sách giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt cho NLĐ.
“Về xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã đưa một số quy định vào dự thảo Luật BHXH vừa gửi đến Quốc hội cho ý kiến. Có thể kể đến như DN chậm đóng, trốn đóng BHXH phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế). Ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động cố tình trốn đóng BHXH.
Cạnh đó, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH. Quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia BHXH…” - ông Dung nêu giải pháp.
Trong đánh giá mới nhất về hoạt động Quỹ BHXH, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng ngành bảo hiểm mặc dù đã thống kê các trường hợp trốn đóng nhưng vẫn chưa xử lý hình sự được theo quy định pháp luật. Chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu, dứt điểm, nhất là với các DN, đơn vị nợ BHXH đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn…
Về rút BHXH 1 lần, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định đây là nhu cầu thực tế của NLĐ. Dù tỉ lệ người rút BHXH 1 lần so với tổng số người tham gia BHXH những năm qua luôn ở mức bình quân khoảng hơn 5% nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề được Quốc hội và dư luận hết sức quan tâm, cần có giải pháp để hạn chế.