Nhìn lại 9 ngày hoạt động bận rộn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ và Brazil

Nhìn lại 9 ngày hoạt động bận rộn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ và Brazil

(PLO)- Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng trong truyền tải thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đến Mỹ và bạn bè quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hợp tác và hội nhập.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có một lịch trình hoạt động dày đặc tại ba TP lớn của Mỹ từ San Francisco đến thủ đô Washington, D.C cũng như New York, từ ngày 17 đến ngày 23-9.

Chuyến công tác của Thủ tướng diễn ra ngay sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam với việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự hàng chục hoạt động, ngoài ra còn có các hoạt động song phương của các lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam với Mỹ và các quốc gia.

thu-tuong-pham-minh-chinh-lien-hop-quoc-my-7244-1720.jpg
Thủ tướng đến Mỹ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và các hoạt động song phương tại Mỹ. Ảnh: VGP

Truyền tải thông điệp lớn của Việt Nam đến bạn bè quốc tế

Chuyến công tác này của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng, truyền tải thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đến Mỹ và bạn bè quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên hợp quốc (LHQ) trong xử lý các thách thức toàn cầu, đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt Nam - LHQ, Việt Nam - Mỹ theo đường lối đối ngoại tại Đại hội Đảng của Đảng.

Bên cạnh các hoạt động của Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng đã có các hoạt động song phương tại Mỹ nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, cụ thể hóa các kết quả chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam. Đồng thời triển khai các thỏa thuận, cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước theo tinh thần Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Tại các cuộc gặp gỡ, thảo luận với các nhà lãnh đạo cấp cao các nước, các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ cũng như các phiên thảo luận của Đại hội đồng LHQ… Thủ tướng đã nêu quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong hành trình phát triển thời gian tới, đó là: Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, tiếp tục đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu.

Cùng đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh… lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam cũng hành động quyết liệt nhằm nỗ lực đặt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của LHQ và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua những thách thức.

thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-kieu-bao-tai-my-1.jpg
Thủ tướng gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: VGP

Khoảng 2,2 triệu người Việt Nam sinh sống tại Mỹ

Hoạt động đầu tiên của Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam ngay khi đến San Francisco là gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, tối 17-9.

Tại buổi gặp, các kiều bào đã nêu một số đề xuất, kiến nghị để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, như chung tay đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực ngành công nghệ thông tin, việc dạy và học tiếng Việt, tăng cường kết nối đội ngũ người Việt trình độ cao tại Mỹ và trên toàn thế giới

Phát biểu tại đây, Thủ tướng đánh giá cao những bước phát triển và vai trò, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước. Cộng đồng kiều bào nói chung ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn với khoảng 6 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 600.000 người là chuyên gia, trí thức. Riêng tại Mỹ có khoảng 2,2 triệu người, đông nhất thế giới, riêng bờ Tây số người Việt lên đến hơn 1 triệu người, trong đó tại San Francisco có 700.000 người.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và đồng bào ta ở Mỹ nói riêng. Đây là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Ông mong muốn thời gian tới, cộng đồng người Việt tại Mỹ ngày càng đoàn kết, thống nhất, năm sau thành công hơn năm trước, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và đóng góp cho quan hệ Việt - Mỹ.

thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-go-doanh-nghiep-tieu-bieu-tai-my.jpg
Thủ tướng gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp Việt kiều tiêu biểu. Ảnh: VGP

Còn tại cuộc ăn sáng làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp Việt kiều tiêu biểu ở San Francisco vào sáng 18-9, Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều ở nước ngoài ngày càng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đến nay, kiều bào đã có 385 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỉ USD và vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều phát huy hơn nữa những thành quả sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ và 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, tận dụng tối đa cơ hội lớn từ việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, quan tâm hơn nữa tới thị trường Việt Nam và hợp tác với các doanh nghiệp trong nước; trở thành cầu nối giúp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu; hoạt động theo đúng pháp luật, từ đó đóng góp cho sự phát triển của Mỹ, Việt Nam và quan hệ hai nước.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó với biến đổi khí hậu…, tạo động lực phát triển mới.

Lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, thông thoáng của Việt Nam, bày tỏ vui mừng trước bước tiến mới của quan hệ Việt Nam-Mỹ, từ đó tạo ra nhiều cơ hội mới cho các hoạt động thương mại, đầu tư; khẳng định cộng đồng người Việt tại đây rất năng động, bà con và các doanh nghiệp đều đoàn kết, hướng về quê hương và muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước và quan hệ hai nước.

thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-go-sinh-vien-viet-nam-tai-my-1.jpg
Thủ tướng thăm và nói chuyện tại Đại học tổng hợp San Francisco. Ảnh: VGP

Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam – Mỹ

Thăm và nói chuyện tại Đại học tổng hợp San Francisco (USF) ngày 18-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu với chủ trương thúc đẩy học tập suốt đời; đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.

Thủ tướng đề nghị Đại học USF đi đầu trong xu thế hợp tác giữa hai nước về giáo dục đào tạo, xác định Việt Nam là một trọng điểm hợp tác, cung cấp nhiều hơn nữa học bổng cho sinh viên Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên đến từ Việt Nam.

Thủ tướng mong các sinh viên đến từ Việt Nam phát huy tinh thần hiếu học, yêu nước, tự hào dân tộc, nỗ lực học tập, rèn luyện đạt kết quả cao, vừa giữ gìn những giá trị văn hóa nền tảng, vừa phát huy khát vọng khám phá với tư duy hiện đại, làm chủ những kiến thức và công nghệ mới, khẳng định người Việt Nam không thua kém trong bất cứ lĩnh vực nào so với thế giới.

Thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington, D.C, ngày 19-9, Thủ tướng đã tập trung trình bày ba nội dung chính: (1) Thế giới hiện nay thế nào? (2) Mục tiêu, một số chính sách lớn của Việt Nam; (3) Chúng ta phải làm gì để hiện thực hoá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới?

thu-tuong-pham-minh-chinh-den-thu-do-nuoc-my-dai-hoc-georgetown-1.jpeg
Thủ tướng thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington, D.C. Ảnh: VGP

Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh trước những thách thức, biến động phức tạp chưa có tiền lệ của tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam lựa chọn con đường chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hoá giải thách thức, lấy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển làm mục tiêu, lấy Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế làm nền tảng, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ.

Ông nêu rõ chín định hướng lớn của Việt Nam trong quá trình phát triển. Một trong những định hướng đáng chú ý là Việt Nam xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Coi con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đặc biệt, trong phần phát biểu về việc Việt Nam - Mỹ phải làm gì để hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng nhìn nhận quan hệ hai nước còn tồn tại một số khác biệt nhất định. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, những khác biệt này không cản trở đà phát triển tự nhiên của quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Mỹ. Thủ tướng mong muốn Mỹ hỗ trợ để góp phần hiện thực hoá định hướng xây dựng "một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng" như hai bên mong muốn.

Hai bên cũng cần xác định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là “động cơ vĩnh cửu” thúc đẩy quan hệ song phương. Mỹ sớm thúc đẩy lộ trình công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi…

thong-diep-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-lien-hop-quoc-7069-8420.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu. Ảnh: VGP

Nhiều thông điệp được Thủ tướng chuyển tải trong các phiên thảo luận chung

Tại trụ sở LHQ, Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại ba sự kiện quan trọng của Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ.

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.

Theo ông, sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố, như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo, kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.

Thủ tướng cho rằng giải quyết biến đổi khí hậu phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới và sáng tạo và kêu gọi cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.

Thủ tướng đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…

Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.

thong-diep-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-lien-hop-quoc-1-4050-111.jpeg
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng ý đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh. Ảnh: VGP

Còn tại Hội nghị cấp cao của LHQ về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, Thủ tướng đã nhấn mạnh những hậu quả hết sức nặng nề của đại dịch và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân.

Thủ tướng cho rằng hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển.

Ông cũng cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết của từng quốc gia và của hợp tác quốc tế. Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng ý đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh.

Đặc biệt tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 78 diễn ra chiều 22-9, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng và khẳng định trải qua nhiều đau thương, hy sinh và mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh cũng như sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ông cho rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của LHQ và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua những thách thức.

thu-tuong-phat-bieu-tai-lien-hop-quoc-khung-hoang-toan-cau-7098-1750.jpeg
Thủ tướng dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 78, chiều 22-9.

Trước những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng đã đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm.

Thứ nhất, lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng. Thứ hai, giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của LHQ. Thứ ba, giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững.

Thứ tư, cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn. Thứ năm, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh.

Nói về quan hệ Việt Nam – Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden Biden đã nêu đậm quan hệ hai nước tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ. Ông nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh Lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất.

Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Từ bài học kinh nghiệm này, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết các tranh chấp và Mỹ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Trong khi đó, tham dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Mỹ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Mỹ góp phần hiện thực hóa sự ủng hộ của Mỹ về một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".

Với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tại đây, các doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục thúc đẩy kết nối người dân, doanh nghiệp hai nước trong sản xuất và ứng dụng công nghệ; phát triển lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ bán dẫn, viễn thám, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn; đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp hai nước.

Với quan điểm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, hàn gắn vết thương chiến tranh, Thủ tướng mong muốn người dân, doanh nghiệp Mỹ đến với Việt Nam để chứng kiến sự đổi mới của Việt Nam. Ông khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tất cả doanh nghiệp tới đầu tư kinh doanh đúng pháp luật, ổn định, hiệu quả vì sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước, ấm no, hạnh phúc của người dân.

thu-tuong-tai-my3-709-2531.jpg
Thủ tướng tham dự Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và chào mừng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ. Ảnh: TTVN

Việt Nam - Mỹ sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên cả 10 trụ cột của khuôn khổ quan hệ mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và chào mừng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ do Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC tổ chức, hôm 19-9.

Trong phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điểm lại lịch sử cách mạng Việt Nam và sự hình thành và phát triển của quan hệ Việt Nam-Mỹ. Bộ trưởng đánh giá quan hệ hai nước đã có những bước tiến dài ngoài sức tưởng tượng kể từ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995), với các sự kiện quan trọng, như ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2001), xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện (năm 2013) và thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 9-2023 của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên cả 10 trụ cột của khuôn khổ quan hệ mới, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Tại buổi lễ, các đại biểu Mỹ chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Mỹ và có các hoạt động song phương hiệu quả, thực chất. Phía Mỹ khẳng định có sự đồng thuận của cả hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa coi trọng quan hệ với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam "mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường", bày tỏ vui mừng về kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Joe Biden và việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hai bên nhất trí rằng, vượt qua những thăng trầm, tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích và thành quả chung và đây cũng là tinh thần chủ đạo của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Với khuôn khổ mới này, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-dac-phai-vien-tong-thong-my-joe-biden-9662-6412.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry. Ảnh: VGP

Nhiều hoạt động song phương quan trọng

Trong lịch trình hoạt động tại Mỹ, Thủ tướng đã có các buổi tiếp với các đoàn chính trị gia của Mỹ như đoàn chính trị gia và doanh nghiệp bang Oregon, đoàn chính trị gia các TP vùng Vịnh San Francisco, bang California.

Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ; gặp Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện Mỹ và Hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ; tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo; tiếp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai; tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen; tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan; tiếp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry.

Tại các buổi tiếp, gặp gỡ này, Thủ tướng đề nghị Việt Nam - Mỹ tăng cường phối hợp, sớm đưa khuôn khổ quan hệ mới đi vào triển khai trên thực tế, trong đó chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đồng thời đề nghị các bên ủng hộ việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, cũng như tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Dịp này, trong không khí chân thành, cởi mở, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Phần Lan Sauli Ninisto; gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis; gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda; gặp Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar; gặp Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel; gặp Thủ tướng Thái Lan Sretta Thavisin.

Thủ tướng cũng đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) Gerd Muller; gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 78 Dennis Francis.

thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-tong-thu-ky-lien-hop-quoc-5645-671-2575.jpeg
Thủ tướng gặp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: VGP

Đáng chú ý, tại buổi gặp với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tổng Thư ký và LHQ cho hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế, giải quyết các điểm nóng, đồng thời khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực đó.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống LHQ triển khai nhiều hoạt động hợp tác, nhất là về bảo đảm an ninh quốc tế, tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ tại nhiều điểm nóng, chuyển đổi để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện công bằng xã hội, không bỏ ai lại phía sau.

thu-tuong-pham-minh-chinh-toa-dam-voi-nha-dau-tu-my-6115-6248.jpeg
Thủ tướng dự và phát biểu tại buổi tọa đàm, ăn trưa làm việc với các nhà đầu tư lớn của Mỹ. Ảnh: VGP

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng đã tới thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ Mỹ tại thung lũng Silicon (California) gồm Nvidia, Meta và Synopsys. Đây là những tập đoàn lớn chuyên về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi ăn trưa làm việc với CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực ngày càng cải thiện của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ và thế giới gồm SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy; tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và thế giới tại New York, gồm Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers; tọa đàm, ăn tối làm việc với lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư tài chính lớn của Mỹ tại New York…

thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-tap-doan-synopsys-6224-7410.jpg
Thủ tướng thăm Công ty Synopsys - là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), tập trung vào thiết kế và xác minh silicon, sở hữu trí tuệ silicon cũng như bảo mật và chất lượng phần mềm. Ảnh: VGP

Những cuộc gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Việt Nam trong trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất bán dẫn.

Điều này cũng được thể hiện ở Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam hôm 10-9.

viet-nam-ky-hiep-dinh-bien-ca.jpeg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Ảnh: VGP

Việt Nam ký hiệp định mang tính lịch sử về biển cả

Một điểm nhấn trong chuyến công tác tại Mỹ lần này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Hơn 60 quốc gia tham gia ký Hiệp định trong tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ.

Việc thông qua và ký Hiệp định là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.

Đây là hiệp định thứ ba được đàm phán và ký kết trong khuôn khổ Công ước Luật Biển năm 1982, tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công ước với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương. Mọi yêu sách biển không được phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, phạm vi của các vùng biển quốc tế, nơi tài nguyên sinh vật biển thuộc về toàn thể nhân loại, phải được xác định thông qua và phù hợp với Công ước Luật Biển 1982.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đây là một trong những điều ước quốc tế được chú ý nhất trong thập kỷ qua. Hiệp định điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gen biển tại các vùng biển quốc tế. Đây là một nguồn lợi mới đầy tiềm năng, thuộc các vùng biển rộng lớn chiếm hơn 60% diện tích bề mặt của các đại dương mà không thuộc về quốc gia nào.

Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao, bên cạnh mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững, Hiệp định đã mở ra cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển có thể tiếp cận, tham gia nghiên cứu và hưởng lợi từ nguồn gene ở các vùng biển quốc tế. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định "Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao"… là một trong những khâu đột phá.

Sau khi kết thúc chuyến công tác tại Mỹ, Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Brazil. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 23-9 đến ngày 26-9.

Đây là chuyến thăm Brazil lần thứ 5 của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989 và là chuyến thăm đầu tiên sau 16 năm, kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2008 của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.

thu-tuong-hoi-dam-tong-thong-brazil-3.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva gặp gỡ, trao đổi với báo chí sau hội đàm. Ảnh: VGP

Tại đây, Thủ tướng cũng đã có hàng loạt hoạt động như gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Brazil và một số nước Nam Mỹ; gặp Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Brazil-Việt Nam; có bài phát biểu về Chính sách của Việt Nam; dự Lễ khai trương Triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam;

Thủ tướng cũng hội đàm với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, ra thông cáo chung, định hướng cho hợp tác song phương, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước; đồng thời kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ tăng lên 10 tỉ USD vào 2025 và 15 tỉ USD vào 2030.

Đọc thêm