Thủ tướng đề xuất 5 nhóm giải pháp trước những yếu tố khủng hoảng toàn cầu

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết, với vai trò của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia mới giúp cộng đồng quốc tế cùng vượt qua những thách thức.

Chiều 22-9 theo giờ địa phương, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 78.

Bài phát biểu của Thủ tướng có chủ đề “Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển".

thu-tuong-phat-bieu-tai-lien-hop-quoc-khung-hoang-toan-cau-1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78. Ảnh: VGP

Trong bài phát biểu, Thủ tướng khẳng định trải qua nhiều đau thương, hy sinh và mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh cũng như sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, hợp tác và phát triển.

Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và bằng sự kiên trì, cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác. Những điều này đã được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hoà giải sau chiến tranh vì sự phát triển, thịnh vượng chung của các bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của LHQ và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua những thách thức.

Đánh giá về những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng cho rằng thế giới hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc và về nguồn lực.

Nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo trên thế giới là phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, sự chân thành; tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương. Cùng nhau ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển.

thu-tuong-phat-bieu-tai-lien-hop-quoc-khung-hoang-toan-cau.jpeg
Thủ tướng cho rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết, với vai trò của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia mới giúp cộng đồng quốc tế cùng vượt qua những thách thức. Ảnh: VGP

Từ thực tiễn đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm.

Thứ nhất, lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng, trong đó các nước lớn đóng vai trò hết sức quan trọng và tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan toả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm.

Thứ hai, giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của LHQ, ủng hộ Kế hoạch thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững; lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập.

Thứ ba, giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các Hiệp định Thương mại Tự do, cải tổ các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế.

Thứ năm, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh. Hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối đối với các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của LHQ, trong đó có việc đẩy mạnh tham gia gìn giữ hòa bình; phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển. Kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, giải quyết tranh chấp, khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, hợp tác, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý công bằng.

Nguyên Giám đốc Chiến lược toàn cầu Samsung làm cố vấn chiến lược về bán dẫn và y tế

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia) được Bộ KH&ĐT thành lập với mục tiêu kết nối các chuyên gia khoa học-công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới với các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ được thành lập nhờ sự thúc đẩy ngay sau chuyến thăm làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5-2022.

thu-tuong-phat-bieu-tai-gap-go-trung-tam-doi-moi-sang-tao-my.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được nhiều người hưởng ứng. Ông cho rằng để mạng lưới lớn mạnh không ngừng, điều quan trọng là phải "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên, các bên tham gia. Đổi mới sáng tạo phải gắn với thực tiễn và phải mang lại hiệu quả cao hơn, cân đong đo đếm được. Đổi mới sáng tạo là xu thế toàn cầu, do đó phải phát huy đoàn kết quốc tế, đoàn kết trong nước để tạo ra sức mạnh.

Thủ tướng đề nghị các hoạt động đổi mới sáng tạo của mạng lưới cần tập trung thúc đẩy các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và lĩnh vực hạ tầng (gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), lĩnh vực giáo dục-đào tạo; đổi mới sáng tạo không chỉ trong phát triển kinh tế-xã hội mà cả trong sự nghiệp phát triển văn hóa, bao gồm cả công nghiệp văn hóa.

Theo thông tin, sau cuộc làm việc cùng ngày, ông Cường Đỗ - một thành viên của mạng lưới, nguyên Giám đốc Chiến lược toàn cầu của Samsung, đã nhận lời làm cố vấn chiến lược cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn và y tế.

Theo TTXVN, VGP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm