Trưa 21-9 theo giờ địa phương, tại New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tọa đàm, ăn trưa làm việc với các nhà đầu tư lớn của Mỹ.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ tiếp tục vào Việt Nam
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng cho rằng, quan hệ Việt Nam-Mỹ là một hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Vừa qua, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ cho thấy tinh thần cầu thị, lắng nghe, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau; hai bên khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Trong tuyên bố chung, cùng với những lĩnh vực hợp tác truyền thống, một số trọng tâm hợp tác mới được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất và quan tâm thúc đẩy. Đáng chú ý, đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại–đầu tư hiệu quả, hài hòa, bền vững được coi là nền tảng cốt lõi, động lực quan trọng và "động cơ vĩnh cửu" cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Hai bên cũng xác định khoa học–công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá và "không có giới hạn" như phát biểu của Tổng thống Joe Biden.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh triển khai đột phá về hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính… để tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà đầu tư trong điều kiện mới.
Trong thời gian tới, với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biển đổi khí hậu, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo…
Nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức, động lực bắt nguồn từ sáng tạo và đổi mới, sức mạnh từ nhân dân và doanh nghiệp", Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục vào Việt Nam để hợp tác, đầu tư để cùng thắng, cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Nguồn lực con người là yếu tố quyết định
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi tọa đàm chính sách với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale về "Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động".
Phát biểu tại đây, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo. Việt Nam đã nỗ lực tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Nhờ đó, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao tình hình và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Tổ chức Heritage Foundation xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của Việt Nam là 61,8 điểm, tăng 12 điểm so với năm 2022. Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (đạt 431 tỉ USD năm 2022).
Tạp chí Financial Times nhận định Việt Nam là "một trong bảy nền kinh tế nổi bật trong một thế giới đầy biến động".
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn như công nghiệp tăng chậm, cầu trên các thị trường lớn suy giảm, lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục gặp khó khăn, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng cho biết Việt Nam tiếp tục kiên định, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung thúc đẩy, tạo nền tảng vững chắc và những yếu tố đột phá cho tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong trung hạn, dài hạn.
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến đề xuất của các chuyên gia, học giả về lựa chọn, thứ tự ưu tiên trong chính sách của Việt Nam như các ngành mới nổi, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tập trung phát triển hạ tầng. Đồng thời, có bước đi phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, phù hợp với xu thế thời đại, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và khả năng hỗ trợ của các nước, trong đó có Mỹ.
Thủ tướng cũng thống nhất với các đại biểu về nhận định vấn đề cuối cùng là yếu tố con người, đây là yếu tố quyết định. Do đó, phải tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với phương thức và nội dung đào tạo phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực ưu tiên của từng giai đoạn.
Trong suốt chặng đường đổi mới và phát triển hơn 35 năm qua, Việt Nam luôn hết sức trân trọng sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ. “Đây cũng là một nội hàm rất quan trọng của Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững Việt Nam-Mỹ” – Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định.