Trong bối cảnh cuộc xung đột Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đang bước vào giai đoạn đụng độ căng thẳng, nhiều bên đã lên tiếng kêu gọi Israel cùng các nước trong khu vực suy nghĩ kỹ về thực tế sau khi chiến tranh kết thúc. Chẳng hạn, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cần phải gấp rút tìm kiếm thỏa thuận về giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine.
“Sẽ không có chuyện quay trở lại hiện trạng như trước ngày 7-10 (ngày Hamas tấn công sang lãnh thổ Israel - PV). Điều đó cũng có nghĩa là khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, cần phải có tầm nhìn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo và theo quan điểm của chúng tôi, đó phải là giải pháp hai nhà nước” - Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hồi tuần trước.
Việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước để Israel và Palestine có thể cùng tồn tại song song là một mục tiêu ngoài tầm với suốt hàng chục năm qua. Một số chuyên gia hiện đang đánh giá lại tính khả thi của giải pháp này giữa các diễn biến mới ở Dải Gaza.
Không thể quay lại hiện trạng cũ
Theo tờ The New York Times, giải pháp hai nhà nước đang được quan tâm và nhắc đến trở lại, không chỉ trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở phương Tây mà còn ở chính các bên tham chiến. Một phần, việc giải pháp này được hồi sinh cũng phản ánh thực trạng là các bên liên quan đang bế tắc, không thể tìm ra bất kỳ giải pháp thay thế nào khả thi khác.
Cựu Chánh Văn phòng thủ tướng Israel Gilead Sher, trưởng đoàn đàm phán của Israel với Palestine vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, cho biết: “Chúng ta không thể quay trở lại hiện trạng cũ khi mà mỗi năm lại xảy ra một cuộc đối đầu bạo lực giữa Israel và Hamas”.
Ông cho rằng nếu chính quyền Mỹ can thiệp và chủ động hòa giải như những gì Tổng thống Biden đã tuyên bố và cam kết thì giải pháp sẽ có thêm cơ hội được xúc tiến. Ngoại giao sẽ giúp hai bên xác định kế hoạch từng bước một cho một tiến trình chung sống của hai nhà nước.
Một nỗ lực như vậy sẽ phải vượt qua hàng loạt trở ngại, đặc biệt là sự gia tăng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây - điều mà người Palestine cho rằng đang cản trở quá trình thành lập một nhà nước Palestine ở đây.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của những nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Israel thời gian gần đây càng làm phức tạp thêm tình hình. Các nhóm này phản đối việc thiết lập một nhà nước của người Palestine và ủng hộ sáp nhập Bờ Tây hoàn toàn vào Israel.
Ông Sher liệt kê một loạt lưu ý đối với các cuộc đàm phán Israel - Palestine, nếu có thể xảy ra. Hai bên sẽ phải bắt đầu một cách chậm rãi, với một tiến trình chính trị tập trung vào việc rút quân trước khi đàm phán tới giải pháp hai nhà nước. Bên cạnh đó, cả hai cũng sẽ cần những nhà lãnh đạo mới vì các lãnh đạo hiện tại đã tỏ ra không sẵn lòng hoặc không có khả năng đạt được thỏa thuận. Một điều kiện tiên quyết khác là Hamas sẽ phải bị đánh bại và Dải Gaza phải được phi quân sự hóa.
Các quan chức Israel cho biết họ đang tập trung vào cuộc chiến chống lại Hamas, có thể kéo dài hàng tháng và bất kỳ cuộc thảo luận nào về tiến trình hòa bình đều phải đợi cho đến khi tiếng súng im hẳn.
Về phía những người Palestine, việc phải hứng chịu sự bắn phá và phong tỏa Gaza của Israel cũng như căng thẳng gia tăng ở Bờ Tây khiến triển vọng thành lập nhà nước của riêng họ dường như càng trở nên xa vời hơn. Tuy nhiên, một số người Palestine cho rằng cú sốc về các cuộc tấn công bất ngờ và táo bạo của Hamas đã khiến người Israel nhận ra rằng họ không thể giải quyết xung đột với người Palestine mà không quan tâm tới khát vọng độc lập chính trị của người Palestine.
Giám đốc tổ chức Liên minh Hòa bình Palestine Nidal Foqaha cho biết: “Những gì xảy ra vào ngày 7-10 sẽ thúc đẩy chúng ta sáng tạo hơn và đổi mới hơn về giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, đây là một nhiệm vụ bất khả thi”.
Ngày 1-11, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân nói rằng nước này sẽ tập trung thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas và tìm kiếm hòa bình ở khu vực dựa trên giải pháp hai nhà nước. Trung Quốc vừa trở thành nước chủ tịch luân phiên tháng 11 của Hội đồng Bảo an.
Vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước
Nhìn chung, Mỹ được đánh giá là sẽ phải đóng vai trò trung tâm trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Israel và Palestine. Thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, ngoại trưởng lúc đó là ông John Kerry đã có các hoạt động ngoại giao con thoi giữa hai bên trong suốt hai năm 2013 và 2014 trước khi phải bỏ cuộc vì không thu được kết quả nào.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chuyển hướng từ giải quyết vấn đề Palestine sang thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập. Chiến lược đó có lợi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn công khai phản đối ý tưởng về một nhà nước Palestine. Bản thân ông Netanyahu đã nhiều lần dao động giữa việc nói rằng sẽ xem xét một quốc gia Palestine với quyền lực an ninh hạn chế và phản đối thẳng thừng ý tưởng đó.
Cựu đặc phái viên về Trung Đông của Mỹ thời ông Trump - ông Jason Greenblatt chỉ ra một trong những vấn đề lớn nhất của giải pháp hai nhà nước là nó không giải quyết được các mối đe dọa thực sự chống lại Israel vốn đang hiện hữu và có thể sẽ tiếp tục tồn tại, cụ thể là các phần tử khủng bố cực đoan Hồi giáo hoạt động trong lòng xã hội Palestine và ở các quốc gia xung quanh.
Cách tiếp cận của chính quyền ông Trump lúc đó đã nhấn mạnh nhu cầu an ninh này của Israel. Hiệp định Abraham, thỏa thuận do ông Trump làm trung gian, giúp Israel bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain vào năm 2020, tuy đã ngăn được kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập 30% Bờ Tây nhưng nó thực sự đã tiếp tục đẩy lùi mục tiêu thành lập nhà nước Palestine.
Bất chấp các cam kết về giải pháp hai nhà nước, chính quyền ông Biden lúc này phần lớn cũng là xây dựng tiếp từ thành quả của chính quyền ông Trump. Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia - vốn là nước lãnh đạo khối Ả Rập.
Bản thân khối Ả Rập cũng có thể sẽ thúc đẩy việc giải quyết vấn đề Palestine như một điều kiện để khối này cùng tham gia ổn định và tái thiết Gaza thời hậu chiến.•
Hành động từ hai bên đang khiến đàm phán rất khó khăn
Các cuộc đụng độ dữ dội giữa người Israel và người Palestine được đánh giá là đang dần cắt đứt động lực của hai bên đối với các nỗ lực hòa bình hậu xung đột. Các chuyên gia cho biết tính chất táo tợn của các cuộc tấn công do Hamas thực hiện và sự đáp trả cứng rắn của quân đội Israel ở Gaza, khiến các ý kiến ở hai bên trở nên đặc biệt khó dự đoán.
Cựu trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Trung Đông Dennis Ross cho biết những gì Hamas thể hiện qua cuộc tấn công là việc có một nhà nước Palestine ở cạnh Israel là “quá nguy hiểm” vì nó có thể nằm dưới sự cai quản của các nhóm như Hamas. Trong khi đó, sau khi lực lượng Hamas bị đánh bại, cộng đồng quốc tế cũng không thể trì hoãn vô thời hạn nguyện vọng của người Palestine.