‘Nhổ biển không được thì điều chuyển người’

Sau khi ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Tổng Cục phó Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kết thúc bản tham luận về biện pháp ngăn chặn tình trạng xe quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị ông Dũng đối thoại nhằm xử lý dứt điểm các biển báo sai quy định, bất hợp lý.

Dân nhắn tin méc bộ trưởng

Ông Thăng hỏi: “Về chuyện nhổ không xuể biển báo bất hợp lý như báo chí nêu, theo anh có vướng mắc gì không, có cần thêm phương tiện gì không? Anh trả lời cho tôi tại sao đến giờ vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng này?”. Ông Dũng khẳng định hiện các biển báo hạn chế tốc độ 40 km/giờ không còn nhiều. Nghe vậy, ông Thăng cắt lời: “Không nhiều mà chiều qua người dân vừa nhắn tin cho tôi báo đoạn đường Hải Phòng có tám biển báo hạn chế 30 km/giờ”. Nghe vậy, ông Nguyên Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đứng dậy: “Thưa bộ trưởng, đoạn đường đó đang tổ chức thi công”.

Ông Thăng tỏ ra bức xúc trước câu trả lời trên: “Đang tổ chức thi công cũng không thể đi 30 km/giờ được, nếu anh để biển đi chậm như vậy sẽ gây ra tắc đường... Trong khi trước đó Tổng cục Đường bộ báo cáo với tôi chỉ có vài cái biển báo lẻ tẻ. Hôm tổng kết tôi vừa nói xong, hôm sau có bao nhiêu người dân nhắn tin cho tôi thông báo về các biển báo bất hợp lý. Anh Dũng có thể trả lời tôi là bao giờ hết biển báo bất hợp lý?”.


Đại lộ Võ Văn Kiệt (TP.HCM) rộng 70m nhưng có nhiều biển báo dưới 40 km/giờ. Ảnh: Quang Tuấn

Không được lừa dân để phạt

Đáp lời bộ trưởng, ông Dũng khẳng định hết tháng 1 sẽ dỡ bỏ hết các biển báo bất hợp lý. Ông Huyện nói thêm do nhiều đơn vị chưa chấp hành các quy định nên biển báo sai quy định vẫn tồn tại. Bộ trưởng Thăng khẳng định như vậy phải thanh tra. Việc nhổ biển không tốn kém gì, chỉ cho người đi vứt thôi tại sao không làm? Ông Thăng giao cho ông Dũng chậm nhất trong tháng 2 phải bỏ hết toàn bộ biển báo bất hợp lý.

“Nếu nhổ biển không được thì anh phải điều chuyển người. Biển còn thì người phải đi. Tôi không dùng từ biển không nhổ được thì nhổ người, như vậy nặng nề quá. Nhưng nhất quyết nếu không làm xong thì anh phải đi nơi khác. Tôi không kỷ luật nhưng không làm được thì anh phải đi. Có nhiều báo viết nhiều biển báo nấp sau cây e thẹn như cô gái đi lấy chồng, nghe mà đau xót lắm. Đặt biển báo thì phải cho người dân dễ nhìn chứ đừng lừa người ta để xử phạt...” - ông Thăng gay gắt.

Nghe xong, ông Huyện tiếp tục phân trần: “Biển báo bất hợp lý chủ yếu còn tồn tại ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM”. Ông Thăng tiếp tục truy: “Vậy tôi hỏi anh Hải Phòng, Phú Yên có phải tỉnh, thành lớn không...? Nhổ biển báo sai quy định chẳng mất gì cả mà đem lại sự thoải mái cho người dân, thế thì phải làm ngay” - ông Thăng nói.

Thử mua vé tàu mới thấy nỗi khổ của dân

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định ngành giao thông tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng: “Như việc phát phù hiệu xe tăng cường dịp lễ, tết mà cũng có chuyện, người ta phản ánh mà tôi cho là chuyện có thật. Nhưng hỏi Sở GTVT TP Hà Nội và TP.HCM thì đều nói không còn. Tuy nhiên, phải kiểm tra lại thông tin đó xem có đúng hay không. Không phải vô cớ mà người ta phản ánh...” - ông Thăng khẳng định.

Ông Thăng cũng chỉ đạo trong dịp tết Nguyên đán 2016 các đơn vị phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để hạn chế việc nhồi nhét khách. “Phải đóng vai mình là người dân khổ sở khi chen chúc để mua được tấm vé, thậm chí phải vật lộn lên xe, lên tàu mới thấu được nỗi khổ của người dân...” - ông Thăng nói.

Phải có chế tài đối với những đơn vị cắm lại biển giao thông bất hợp lý. Như năm 2011-2012 Bộ GTVT đã nhổ đi nhiều biển báo nhưng sau đó một loạt biển lại được cắm lại. Vậy thì ai cắm, lý do gì...? Về việc này Sở GTVT các tỉnh, thành và Tổng cục Đường bộ phải cùng chịu trách nhiệm.

Ông NGUYỄN NGỌC ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ GTVT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm