Ngày 14-1, Tổng Cục đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị công tác tổng kết năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phê bình Tổng Cục đường bộ Việt Nam chậm ứng dụng công nghệ trong công tác bảo trì sửa chữa, quản lý vận tải.
Có hay không tiêu cực trong công tác bảo trì đường bộ?
"Có doanh nghiệp gặp tôi nói 20 năm họ không thể nào "chen chân" vào danh sách của cục để tham gia bảo trì đường bộ được. Trong khi họ khẳng định phương pháp bảo trì đường bộ của họ giảm 30% về thời gian lẫn chi phí. Một doanh nghiệp khác gặp tôi cũng khẳng định chỉ cần chỉ cho họ vị trí hư hỏng, họ sẽ bỏ tiền ra sửa chữa và hứa sẽ giảm gần 40% chi phí và thời gian, nhưng chúng ta không chịu.
Giờ người ta xếp hàng sẵn sàng bỏ tiền ra để sửa chữa và hứa giảm chi phí lẫn thời gian, chúng ta chỉ việc nghiệm thu thanh toán, sao ta không chọn họ làm?Năm 2015, kinh phí cho công tác bảo trì gần 7.000 tỉ đồng, nếu giảm được 40% là bao nhiêu? Đây là con số không hề nhỏ, nên phải làm ngay lập tức...", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thăng cho biết vừa qua Bộ GTVT đã tăng cường thêm một Phó tổng Cục trưởng nhằm nâng chất việc ứng dụng khoa học công nghệ: "Trước hết nâng cao chất lượng, tiến độ công tác bảo trì sửa chữa đường bộ để làm sao tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn...", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng thừa nhận rất lo lắng về tiêu cực, tham nhũng trong công tác bảo trì đường bộ, theo ông nếu làm theo cách cũ thì không kiểm soát được thất thoát ngân sách Nhà nước.
Biển báo bất cập, thà không có còn hơn
Liên quan đến công tác biển báo, Bộ trưởng khẳng định hiện nay các biển báo trên nhiều tuyến đường còn nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân. Thậm chí nhiều tuyến đường đã làm mới nhưng vẫn sử dụng biển báo cũ.
Bộ yêu cầu Tổng Cục đường bộ cũng phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước của mình không thể để "việc ai nấy lo", ông nói: "Như hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Hầm Thanh Xuân (Hà Nội), khi thông hầm không điều chỉnh cho hợp lý khiến ùn tắc giao thông. Người dân bức xúc nhắn tin cho tôi, khi tôi bảo kiểm tra thì bảo việc này của Hà Nội, không phải em, vậy vai trò quản lý nhà nước ở đâu...?".
Không xử được xe quá tải thì xử cán bộ
Không xử được xe quá tải thì phải "xử' cán bộ
Về xe quá tải, ông Thăng khẳng định vẫn có tình trạng bảo kê cho xe quá tải: "Không có ông to, bà lớn nào "chống lưng" cho xe quá tải thì không thể có tình trạng xe quá tải đi lông nhông hết chỗ này đến chỗ khác. Tôi yêu cầu phải xử lý triệt để xe quá tải, sắp tới còn có ở khu vực Hà Nội này nữa thì chỉ xử lý cán bộ...".
Ông Thăng cũng thẳng thắn phê bình Tổng Cục đường bộ vì thiếu báo cáo trong vụ xe quá tải đi qua năm tỉnh; cộng thêm việc chưa nắm thông tin về lĩnh vực mình quản lý, nhiều thông tin báo chí đã làm rầm rộ lên nhưng Cục vẫn không hay biết. Theo ông, lãnh đạo phải hi sinh, sâu sát tình hình, không thể có tình trạng "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".
Trên cơ sở những tồn tại còn chưa khắc phục kể trên, trước mắt Bộ trưởng yêu cầu năm 2016 Tổng Cục đường bộ Việt Nam phải giảm được chi phí bảo trì, sửa chữa đường bộ 30%.