Nhớ nhà văn - 'thầy cãi' Nguyễn Khoa Đăng

(PLO)- Nguyễn Khoa Đăng từ một nhà giáo, trở thành nhà văn rồi bén duyên nghề 'thầy cãi' với hơn 216 lần ra tòa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vừa qua đời vào rạng sáng 25-9, hưởng thọ 83 tuổi. Trong những năm tôi còn làm báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), từng có duyên trò chuyện nhiều lần với ông. Nay xin kể lại những chuyện đời, chuyện nghề về nhà văn Nguyễn Khoa Đăng như nén nhang lòng gửi đến ông.

Nhà văn - "thầy cãi" Nguyễn Khoa Đăng say sưa đọc Nguyệt san báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÝ

“Cãi” vì người nghèo

Thấu hiểu với hoàn cảnh của những người dân thấp cổ bé họng, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng bất đắc dĩ trở thành “thầy cãi” trong 4 năm từ 1989 đến 1993 suốt 47 tháng với 216 lần ra tòa tại tỉnh Kiên Giang.

Từ những lần "cãi" ngoài đời như một luật sư chuyên nghiệp ông đã viết tạp văn Khóc cười trước vành móng ngựa. Ông tâm sự: “Chừng nào con người còn khổ đau, bất hạnh thì ngòi bút của tôi còn tiếp tục “cãi” hoài!”.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng như nhiều trí thức, thấy sự bất công trong việc xử án, phần nhiều do người dân bị thua thiệt về hiểu biết pháp luật mà “vô phúc đáo tụng đình”. Ông đã xông pha vào lĩnh vực hoàn toàn mới này- làm… thầy cãi. Cũng may với sự nhanh nhạy và óc quan sát tỉnh táo của nhà văn cộng với lòng thương yêu người bị oan ông đã cãi 216 cuộc tại tòa. Có nhà báo đã gọi ông “người ra tòa hơn 216 lần”.

Nhà văn - "thầy cãi" Nguyễn Khoa Đăng trong một phiên tòa tại Kiên Giang năm 1991. Ảnh: Tư liệu

Nhà văn - "thầy cãi" Nguyễn Khoa Đăng trong một phiên tòa tại Kiên Giang năm 1991. Ảnh: Tư liệu

Khi chúng tôi có vẻ thắc mắc, ông cười xòa và cho biết: “Xưa nay tôi chỉ làm nghề viết báo, đôi lúc ngẫu hứng, cũng viết vài ba truyện ngắn để đăng nhưng những cái đó cũng chẳng gây được tiếng vang gì. Vậy mà không ngờ một hôm nhờ nó, vâng, đúng, nhờ vào một cái truyện ngắn Con gấu mà tôi đã có thêm được một nghề khác, nghề bạn bè tôi chưa ai từng làm.

Đó là nghề bào chữa cho các bị cáo hoặc những người bị hại tại các phiên tòa dân sự và hình sự, một nghề đúng ra là của các luật sư chính cống, những người từng có nhiều năm miệt mài trên ghế trường Luật, trong khi tôi chưa hề có được một ngày bước qua các cổng trường sang trọng ấy.

Trong khi nhiều người trong số họ mang mặc cảm tội lỗi nên đã tự đánh mất của mình cái quyền tự do, quyền ăn nói mà vào thời điểm mà pháp luật chưa hề tước đoạt của họ… Ai sẽ thay mặt họ những lúc này để đảm bảo cho vấn đề được lật đi lật lại, được nhìn nhận dưới mọi khía cạnh để họ khỏi bị thiệt thòi hoặc oan ức…

Chính vì thế, sau khi Bộ Luật hình sự ra đời, Nhà nước ta đã có ngay Luật Tố tụng hình sự trong đó cho phép bị cáo hoặc người bị hại có quyền nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đoàn Luật sư ở các nơi được thành lập là vì lẽ đó.

Nhưng vì ở thời điểm này, số luật sư ra trường họ không chịu về hoặc có về nhưng con số còn quá ít… nên tỉnh tôi không thể nào thành lập Đoàn Luật sư được. Đó là lý do địa phương tôi ra đời một tổ chức gọi là Đoàn Bào chữa viên, mà tôi được chỉ định là một thành viên của Đoàn”.

Và thế là nhà văn – thầy giáo Nguyễn Khoa Đăng bất đắc dĩ trở thành thầy… cãi. Ông tâm sự: “Thực ra, lúc đầu tôi chỉ nghĩ làm việc này cho vui, cho có thêm điều kiện để thâm nhập thực tế. Nào ngờ càng làm càng thấy hứng thú và càng thấy nghề này quan trọng đối với xã hội biết chừng nào…

Tôi vào việc một cách hứng thú là vì thế. Sự hứng thú này, không ngờ, sau một thời gian ngắn, đã tạo dựng cho tôi một sự tín nhiệm nhất định với bà con xa gần.

Chuyện vui mà có thật thế này: Số là ông Mười đánh máy chữ, viết đơn thuê ở đường phố trong thị xã, giấu kín số nhà của tôi trong con hẻm vắng, để lãnh tiền “cò”. Chuyện cháu bé khoảng 5, 6 tuổi sau khi thăm cha nó đang bị giam, khi ra cổng, đã chỉ tay vào gấu áo, để mẹ cháu lôi ra một mẩu giấy nhỏ cuộn tròn, trong đó ghi vỏn vẹn mấy chữ: “Nhờ bào chữa viên…cho ba” vân vân…

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên và nhà văn Nguyễn Khoa Đăng trong buổi họp mặt Hội nhà văn TP.HCM cuối năm 2010, cả hai đều đã qua đời. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Tác giả "Bút máu" - nhà văn Vũ Hạnh (trái) cùng nhà thơ Chế Lan Viên là hai người đã giới thiệu nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (phải) vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Đổi bút danh vì… tự trọng

Nguyễn Khoa Đăng có nhiều cái lạ: không học qua sư phạm nhưng lại làm thầy giáo dạy Toán, sinh vật. Không học luật nhưng lại làm thầy cãi… cho đến việc tên "cúng cơm" phải thay đổi để đặt bút danh.

Trên văn đàn đã có Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa nổi tiếng, mặc dù nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tên thật là Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm Canh Thìn 1940) nhưng vì tự trọng ông đã đổi bút danh thành Nguyễn Khoa Đăng.

Biết việc này, nhà thơ Chế Lan Viên bảo đổi bút danh như thế là tự trọng, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng bảo thế. Thật ra ông đã có thơ đăng báo trước cả Thần đồng Trần Đăng Khoa từ năm 1962 ở các báo.

Tác giả "Thời hoa đỏ" - nhà thơ Thanh Tùng cùng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là 2 trong 4 người (nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, nhà văn Phan Đức Nam) thành lập tờ Tài Hoa Trẻ (tập san của báo Giáo Dục và Thời đại). Ảnh: NGUYỄN TÝ

Đặc biệt bài thơ Mùa lúa chín, do ông sáng tác ca ngợi "quê hương 5 tấn" Thái Bình năm 1965 đăng trên báo Thiếu Niên Tiền Phong. Bài thơ được đưa vào sách giáo khoa và được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành "Em đi giữa biển vàng" năm 1970. "Em đi giữa biển vàng, nghe mênh mang trên đồng lúa hát. Hương lúa chín thoang thoảng bay...". Năm 2000, bài hát Em đi giữa biển vàng được thiếu nhi cả nước bình chọn là 1 trong 50 bài hát hay nhất dành cho thiếu nhi.

Tiếp đó, năm 1971 bản nhạc phổ bài thơ "Cây lúa xuân" do nhạc sĩ Văn Chung chấp cánh được xếp là "Bài ca đi cùng năm tháng".

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và nhà thơ Trương Nam Hương. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và nhà thơ Trương Nam Hương. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng được tổ chức tại tư gia số 15 đường số 2, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM. Lễ truy điệu vào 6h ngày 28-9, sau đó an táng tại nghĩa trang Chính sách TP.HCM - Củ Chi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm